Việt Nam đã có miễn dịch cộng đồng?
Dịch Covid-19 đang thoái trào, tỉ lệ bao phủ vắc-xin tăng, mọi hoạt động đã trở lại bình thường, Bộ Y tế đề xuất V2K (vắc-xin - khẩu trang - khử khuẩn) thay cho 5K.
- 21-05-2022"Thủ phủ khẩu trang" ở Bắc Ninh bây giờ ra sao sau dịch COVID-19?
- 18-05-2022Bộ trưởng Y tế báo cáo việc mua sắm trang thiết bị chống dịch Covid-19
- 03-05-2022Bộ Y tế xin ý kiến về phương án ứng phó với 2 tình huống dịch COVID-19
Theo Bộ Y tế, những ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 giảm sâu trên toàn quốc. Đơn cử như ngày 12-6, cả nước chỉ ghi nhận hơn 560 ca mắc tại 34 tỉnh, thành phố; nhiều ngày không có ca tử vong.
Số ca mắc và tử vong giảm
TP Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất nước nhưng gần 1 tuần qua, số ca Covid-19 mắc mới trong ngày đều dưới 200. Tại TP HCM, nhiều ngày qua số ca mắc dưới 35 ca/ngày. Hàng chục tỉnh, thành khác có không quá 10 ca/ngày.
Riêng ở TP Cần Thơ, nhiều ngày không có ca mắc mới. Theo Sở Y tế TP Cần Thơ, hiện nay, việc truy vết ca nhiễm đã ngưng, ngành y tế địa phương tập trung vào công tác tăng cường tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân và đối tượng tiêm mới là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Nói về tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho rằng thành phố không ghi nhận nhiều ca bệnh có thể do người dân đã thích nghi, chủ động với bệnh và không khai báo. Bên cạnh đó, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng thành phố đã có miễn dịch cộng đồng, tuy nhiên, không bền vững nếu không tiêm vắc-xin Covid-19 mũi nhắc lại.
V2K phù hợp hoàn cảnh hiện nay
Trước sự biến chuyển về cấp độ dịch, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết bộ đang lấy ý kiến dự thảo về việc thay đổi khuyến cáo 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế) bằng khuyến cáo V2K (vắc-xin - khử khuẩn - khẩu trang).
Đồng tình với đề xuất này, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng việc áp dụng khuyến cáo V2K phù hợp với bối cảnh của dịch Covid-19 hiện nay. "Dù không bắt buộc đeo khẩu trang và khử khuẩn nhưng ngành y tế nên khuyến khích người dân thực hiện, hình thành các thói quen tốt vệ sinh cá nhân bởi có thể phòng ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác" - PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đeo khẩu trang nơi công cộng - một thói quen tốt không chỉ phòng tránh Covid-19 mà nhiều bệnh lây qua đường hô hấp khác. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đồng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nên không nhất thiết bắt buộc người dân phòng chống dịch chặt chẽ nữa. Thực tế hiện nay, đa số người dân đã hình thành thói quen đeo khẩu trang nơi công cộng. "Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng không bắt buộc nhưng cái gì có lợi thì vẫn nên thực hiện. Tránh gây hiểu lầm cho người dân là những biện pháp đó không có lợi" - PGS Dũng nêu quan điểm.
Nới lỏng, không buông lỏng
Mới đây, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, cho rằng Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn thoái trào. Hiện có 3 chỉ số cần theo sát là biến chủng mới; sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong cộng đồng; tình hình bệnh nhân chuyển nặng. "Các chỉ số này nếu phát sinh những vấn đề cần lưu ý thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ chuyển trạng thái chống dịch. Như vậy, chúng ta không ngồi chờ diễn biến của Covid-19 mà chủ động phản ứng linh hoạt. Đã đến lúc trở lại "bình thường cũ" để hướng đến 2 mục tiêu là phục vụ lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế và tránh quá tải hệ thống y tế" - ông Hiếu nói.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết hiện Bộ Y tế vẫn theo dõi những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tình hình dịch bệnh tại các quốc gia khác. Đến nay, chưa có quốc gia nào trên thế giới công bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu không được chủ quan, lơ là và nâng cao cảnh giác với dịch Covid-19.
Trên cơ sở kế hoạch của WHO, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững để ứng phó với dịch khi có biến chủng mới nguy hiểm hoặc dịch lưu hành bình thường. Với cả 2 tình huống này, Bộ Y tế nhấn mạnh vắc-xin là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng, tử vong. Do đó, vắc-xin phải được bao phủ ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao.
Thiếu công bằng vắc-xin: Rào cản miễn dịch cộng đồng?
Theo Sở Y tế và kiểm soát môi trường Nam Carolina (SCDHEC) - Mỹ, cùng với các bang khác và chính phủ liên bang đã dần xem Covid-19 như một loại virus đặc hữu dựa vào các yếu tố: ca bệnh giảm; tỉ lệ nhập viện giảm; nguồn vắc-xin phong phú, phương pháp điều trị và xét nghiệm nhanh.
Thế nhưng, một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu để có thể xem Covid-19 là một bệnh đặc hữu, ngoài sự "thuần" dần của virus là miễn dịch cộng đồng được xây dựng bền vững nhờ vắc-xin. Đây chưa phải là điều mà cả thế giới cùng đạt được.
Tại cuộc họp báo gần đây nhất của WHO ngày 8-6, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Nhận thức rằng đại dịch đã kết thúc là điều dễ hiểu nhưng sai lầm. Hơn 7.000 người đã mất mạng vì loại virus này vào tuần trước".
Theo người đứng đầu WHO, sau gần 18 tháng kể từ khi vắc-xin Covid-19 đầu tiên được sử dụng, 68 quốc gia vẫn chưa đạt được tỉ lệ bao phủ 40%. Nguồn cung vắc-xin toàn cầu đã đủ nhưng các quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất lại thiếu.
Cuối tháng 5-2022, Liên minh vắc-xin COVAX cũng đã ban bố lời kêu gọi công bằng vắc-xin và nêu nghịch lý: người trẻ, khỏe ở các quốc gia giàu có được tiêm mũi tăng cường, trong khi nhiều đối tượng nguy cơ, bao gồm nhân viên y tế ở các nước thu nhập thấp, vẫn chưa có mũi đầu tiên!
A.Thư
Người lao động