MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 5,3 tỷ USD vào một quốc gia ASEAN

Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 5,3 tỷ USD vào một quốc gia ASEAN

Cụ thể hơn, tính đến đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang quốc gia này đã lên đến 5,34 tỷ USD.

Trong Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước tổ chức vào đầu năm nay, đến nay tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt 5,34 tỷ USD. Lào luôn duy trì vị trí thứ nhất trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam cũng luôn nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn. Năm 2021, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Năm 2022, vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đạt 180 triệu USD, tăng 52,5% so với năm 2021. Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào làm ăn có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023.

Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh tốt, đóng góp tích cực nhiều mặt cho kinh tế-xã hội Lào; bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm.

Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 10 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 71 triệu USD. Cùng với đó, Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Lào.

Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 5,3 tỷ USD vào một quốc gia ASEAN - Ảnh 1.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào tiếp tục xu hướng tăng cao và bền vững hơn. Trong ảnh, Phủ Chủ tịch nước Lào tại Thủ đô Vientiane. Ảnh: Dy Khoa.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 1,7 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 21,3% so với năm 2021. Trong một vài năm tới, trao đổi thương mại song phương có thể đạt mốc 2 tỷ USD nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.

Một bài báo khoa học đăng trên tạp chí nghiên cứu của ĐH Kinh tế Wroclaw (Ba Lan) đánh giá Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có mối quan hệ gần gũi về chính trị, kinh tế cũng như đầu tư. “Cùng với Thái Lan và Trung Quốc, Việt Nam luôn là một trong ba nhà đầu tư lớn nhất tại Lào. Cũng đến cuối năm 2016, tổng vốn FDI từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam chiếm hơn 80% tổng vốn FDI vào Lào”, bài báo nêu.

Theo bài báo này, từ đầu những năm 2000, Lào nhanh chóng trở thành thị trường mục tiêu trong chiến lược toàn cầu hóa của các doanh nghiệp Việt Nam. Lào là nước nhận vốn FDI lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng vốn FDI ra nước ngoài đăng ký từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Lào, tạo gần 40.000 việc làm cho lao động địa phương và đóng góp hơn 70 triệu USD cho an sinh xã hội của Lào (số liệu đến cuối năm 2016).

Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 5,3 tỷ USD vào một quốc gia ASEAN - Ảnh 2.

Món đặc sản của Lào, chuối nướng kẹp cơm dừa, bán tại thủ đô Vientiane. Ảnh: Dy Khoa.

Lào đã và đang là thị trường đầu tư trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam

Tính đến hết năm 2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 1.188 dự án ra nước ngoài với tổng số vốn đăng ký lên đến 21,3 tỷ USD. Trong khi đó Lào đã và đang là thị trường đầu tư trọng điểm của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đăng ký 5,12 tỷ USD, chiếm trên 24% tổng vốn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Các công ty Việt Nam bắt đầu đầu tư vào Lào từ đầu những năm 1990. Trong giai đoạn 1994-1998, cả nước chỉ có 3 dự án đăng ký (chỉ còn 1 dự án còn hiệu lực) với tổng vốn đầu tư là 2,8 triệu USD, vốn bình quân 1 dự án chỉ đạt 0,94 triệu USD. Các dự án này đều nhỏ và hoàn toàn do doanh nghiệp nhà nước thực hiện.

Trong giai đoạn 1999–2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy định về đầu tư ra nước ngoài , dẫn đến sự cải thiện đáng kể dòng đầu từ Việt Nam sang Lào. Trong giai đoạn này, có 36 dự án của Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 466 triệu USD; vốn bình quân một dự án là 12,94 triệu USD.

Việt Nam đã đầu tư tổng cộng 5,3 tỷ USD vào một quốc gia ASEAN - Ảnh 3.

Chợ ẩm thực gần Nhà Quốc Hội Lào. Ảnh: Dy Khoa.

Đáng chú ý, trong giai đoạn trên, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Lào. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đầu tư 14 dự án với vốn đăng ký 13,3 triệu USD, bình quân 0,95 triệu USD/dự án. Giai đoạn này phần lớn vốn được đầu tư vào chế biến gỗ, khai khoáng, trồng cây công nghiệp.

Trong giai đoạn 2006–2010, Việt Nam đã có tới 124 dự án đầu tư sang Lào, số vốn đăng ký là 2,519 tỷ USD, bình quân một dự án là 20,31 triệu USD. Hàng loạt dự án lớn được cấp phép trong giai đoạn này là các dự án thủy điện có tổng quy mô vốn lên đến hơn 700 triệu USD, một dự án khu kinh tế đặc biệt với số vốn đăng ký lên đến 1 tỷ USD.

Trong giai đoạn 2011–2016, dòng vốn đăng ký từ doanh nghiệp Việt Nam sang Lào giảm nhẹ. Trong giai đoạn này, có 108 dự án đăng ký mới với vốn đăng ký bên Việt Nam là 2.135 triệu USD. Quy mô vốn bình quân 19,77 triệu USD/dự án. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, FDI dần chuyển dịch từ lĩnh vực truyền thống (điện, khai khoáng) sang lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Phong trào này là một dấu hiệu đáng khích lệ, bởi ngành nông nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế ở cả Lào và Việt Nam”, báo cáo khoa học đánh giá.

Mặc dù có một số biến động, dòng vốn FDI từ các doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đã tăng đáng kể kể từ đầu những năm 2000. Trong bối cảnh hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), dòng vốn FDI từ Việt Nam sang Lào được dự báo sẽ tăng với tốc độ cao hơn.

Để thúc đẩy dòng vốn FDI, “Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Lào thông qua nguồn vốn ODA, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và có chiến lược tổng thể đầu tư vào Lào. Đối với Chính phủ Lào, cần có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, từng bước nới lỏng các quy định của luật đầu tư để đáp ứng thông lệ quốc tế” - báo cáo khoa học từ ĐH ĐH Kinh tế Wroclaw gợi ý.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên