Việt Nam đã rót tổng cộng 5,5 tỷ USD, doanh nghiệp Việt nộp ngân sách nước này 200 triệu USD/năm
Riêng năm 2023, vốn đầu tư của Việt Nam sang nước này là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022.
- 07-01-2024Thái Nguyên thu ngân sách đạt gần 20.200 tỷ đồng trong năm 2023
- 05-01-2024Điểm tên 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu ngân sách
- 05-01-2024Năm 2023: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp ngân sách tương đương 9% tổng thu cả nước
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam sang Lào đạt gần 5,5 tỷ USD.
Lào vẫn duy trì vị trí thứ nhất trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam cũng nằm trong top 3 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Lào. Hiện có 245 dự án của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực.
Riêng năm 2023, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào là 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 2,75 tỷ USD.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp thuế và nghĩa vụ tài chính khác trong 5 năm trở lại đây khoảng 200 triệu USD/năm. Tiêu biểu như Unitel là doanh nghiệp nộp thuế và ngân sách đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông, trung bình mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước Lào trên 53 triệu USD. Lũy kế từ 2015 đến nay khoảng 1,7 tỷ USD, đóng góp 150 triệu USD cho công tác an sinh xã hội.
Ở chiều ngược lại, Lào hiện có 18 dự án đầu tư đang triển khai ổn định tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt trên 110 triệu USD. Doanh nghiệp Lào được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh.
Tổng kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.
Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025. EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) với các chủ đầu tư để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện đầu tư tại Lào với tổng công suất 2.689 MW.
Hai bên đã khánh thành và bàn giao, đưa vào khai thác sân bay Nong Khang từ tháng 5/2023. Hai nước cũng tìm ra hướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với dự án muối mỏ kali của Vinachem.
Ngoài ra, đã xử lý xong vấn đề chồng lấn diện tích tô nhượng tại dự án nông nghiệp của Tập đoàn Thaco và tại dự án khai thác bauxite và chế biến alumine của Tập đoàn Việt Phương.
Việt Nam và Lào cũng đã hoàn thành đàm phán và thỏa thuận về giá mua bán điện từ Nhà máy thủy điện Xekaman 3.
Hiện Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời sẽ nghiên cứu điều chỉnh các quy định về thời gian thực hiện trong đầu tư thủy điện, khai khoáng phù hợp với tình hình mới.
Về thương mại, hai nước đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023.
Tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông, nghiên cứu tư duy mới, cách làm mới trong việc triển khai kết nối giao thông hai nước.
Việt Nam và Lào sẽ huy động nguồn lực, tăng cường tìm kiếm nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đường sắt Vũng Áng - Vientiane, đường bộ cao tốc Hà Nội - Vientiane. Coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.
"Sự trưởng thành của các doanh nghiệp Việt đầu tư tại Lào đã góp phần giúp chúng tôi kích thích, phát triển kinh tế", Thủ tướng Sonexay Siphandone nói tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào tại Hà Nội hôm 7/1.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào đã có sự phát triển không ngừng. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hiện, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Hồi tháng 12/2023, Vietjet Air thông báo mở đường bay kết nối thủ đô Vientiane với TP HCM từ tháng 2/2024. Đường bay dự kiến phục vụ hành khách 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần với thời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 45 phút.
Trước đó, đầu tháng 11/2023, tại thủ đô Vientiane, Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM (Green & Smart Mobility) đã khai trương dịch vụ taxi điện đầu tiên tại Lào với thương hiệu Xanh SM. Đây là thị trường nước ngoài đầu tiên, khởi động chiến lược "Go Green Global" với lộ trình trở thành nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển thuần điện quốc tế của GSM, hướng tới mục tiêu phổ cập xu hướng "di chuyển xanh" ra thế giới.
Đời sống & pháp luật