Việt Nam dẫn đầu khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền: Cần thay đổi nhận thức người xem "lậu"
Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về mức độ vi phạm bản quyền trên môi trường số, nhưng theo bình quân đầu người thì tỷ lệ vi phạm tại Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực.
- 23-07-2022Chuyển đổi số - chìa khóa để kinh tế Việt Nam chuyển mình vươn xa
- 23-07-2022Mất dấu vết dòng tiền - Bất cập trong xử lý tội phạm trên không gian mạng
- 23-07-2022Không cần phải ra ngoài để đăng ký tạm trú tạm vắng, người dân có thể đăng ký online theo cách dưới đây
Hiện nay trên môi trường Internet có hàng nghìn trang thông tin điện tử và mạng xã hội hoạt động, trong đó có các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube, hàng ngày truyền tải lượng thông tin, nội dung số và video clip khổng lồ tới người dùng. Riêng tại Việt Nam, trong quý 1 năm nay người dùng Internet đã phát đi 3 tỷ giờ nội dung video.
Tuy nhiên, điều đáng cảnh báo là Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên môi trường số. Đây là thông tin mới được đưa ra tại hội thảo do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội.
Trong khi đó, các hình thức vi phạm bản quyền ngày càng tinh vi. Điển hình là những website vi phạm có thể dễ dàng đổi tên miền khi bị chặn. Việc mua tên miền mới cũng rất đơn giản, 1 phút có thể mua hàng nghìn tên miền mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng: cần có giải pháp kỹ thuật mới, chẳng hạn như một cổng quản lý tên miền của cơ quan nhà nước
Làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân về bản quyền cũng là một giải pháp căn cơ. Hiện số hộ gia đình ở Việt Nam đăng ký xem các ứng dụng video có bản quyền chỉ đạt 4%, thua xa các nước trong khu vực như Thái Lan (gần 35%), hay Singapore (gần 60%)
Không thể phủ nhận rằng người dùng tại Việt Nam còn coi thường việc bản quyền. Người dân Việt Nam quen xem miễn phí, thấy miễn phí là được, kể cả miễn phí mà xấu, quay bằng điện thoại. Trong khi, người dùng chỉ cần bỏ ra 20.000 đồng xem trên ứng dụng có bản quyền là thoải mái. Việc thay đổi nhận thức của người dùng cũng là một giải pháp hết sức quan trọng để những trang web lậu, những tài khoản mạng xã hội chuyên trộm cắp nội dung không còn đất sống.
Đầu năm nay YouGov - công ty khảo sát người tiêu dùng Internet có trụ sở tại Anh đã thực hiện một khảo sát về hành vi người dùng tại Việt Nam. Kết quả như sau
+ 50% số người được hỏi cho biết sẽ dừng hoặc truy cập ít hơn nếu biết trang web đó có lệnh chặn
+ 40% sẵn sàng trả phí để xem các nội dung hợp pháp và ủng hộ nội dung có bản quyền
+ 45% cho rằng vi phạm bản quyền sẽ làm mất việc làm của những người làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo
+ 47% đồng ý vi phạm bản quyền trên môi trường số sẽ gia tăng nguy cơ nhiễm virut và phần mềm độc hại cho máy tính
Người dùng tại Việt Nam
50%: dừng truy cập website bị chặn
40%: sẵn sàng trả phí bản quyền
45%: vi phạm bản quyền làm mất việc làm
47%: vi phạm bản quyền gây nhiễm virus
Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như Hội nghị văn hóa đã khẳng định phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, hoàn thiện thị trường văn hóa là những nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới. Không thể có công nghiệp văn hóa nếu bản quyền bị xâm phạm.
Theo tính toán, nếu các giải pháp nỗ lực chống vi phạm bản quyền được thúc đẩy, 5 năm nữa, giá trị đầu tư vào mảng video trực tuyến tại Việt Nam sẽ 150 triệu USD, tức là gấp đôi so với hiện tại và 60% số thuê bao trái phép sẽ phải chuyển sang các dịch vụ có bản quyền.
Luật sư Phạm Thanh Thủy, Đoàn Luật sư Hà Nội, người đã gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.
VTV