Việt Nam dẫn đầu tốc độ phát triển kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 2/11, công ty GSMA Intelligence đã công bố báo cáo thường niên lần thứ 5 về phát triển kỹ thuật số ở 11 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
- 03-11-2020Thủ tướng: EVN cần tiếp tục giữ ổn định giá điện
- 03-11-2020GS. Hà Tôn Vinh giải mã nhân tố “bí ẩn” có thể khuynh đảo bầu cử Mỹ
- 02-11-2020Tạp chí Hoa Kỳ: Chống Covid-19 thành công, Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho thương mại điện tử
Theo báo cáo, năm 2019 Việt Nam đạt 49 điểm về phát triển kỹ thuật số, tăng 1 điểm so với năm 2018 và tăng 12 điểm so với năm 2016. Với kết quả đó, Việt Nam xếp thứ 8 trên 11 quốc gia được đánh giá. Dựa trên bảng xếp hạng, GSMA chia thành 3 nhóm chính: các quốc gia mới nổi, các quốc gia đang chuyển đổi và các quốc gia tiên tiến. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang chuyển đổi. Dẫn đầu là các quốc gia tiên tiến bao gồm 4 nền kinh tế theo thứ tự từ thấp đến cao: Hàn Quốc (78 điểm), Singapore (76 điểm), Australia (75 điểm) và Nhật Bản (72 điểm).
Đáng chú ý, Việt Nam lại gây ấn tượng khi trở thành quốc gia dẫn đầu về tốc độ phát triển kỹ thuật số giai đoạn 2016-2019, tạo ra cách biệt lớn so với các nước còn lại. Trong các lĩnh vực cụ thể, Việt Nam đều ghi nhận mức tăng cao, riêng lĩnh vực thương mại điện tử vẫn giữ nguyên mức điểm 25 của năm 2016. Nhận dạng kỹ thuật số là lĩnh vực đạt mức điểm cao nhất với 65 điểm, tăng 21 điểm so với năm 2016. Theo sau là kết nối (60 điểm, tăng 18 điểm), công dân số (62 điểm, tăng 15 điểm), phong cách số (51 điểm, tăng 11 điểm).
Lý giải cho mức tăng ấn tượng này, GSMA nhận định, Việt Nam đã cải tiến mạnh mẽ các "thành tố kết nối" sau khi ra mắt và mở rộng nhanh chóng mạng 4G trong những năm qua. Ngoài ra còn có sự đóng góp của những cải tiến về nhận dạng số, công dân số và phong cách số.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0 nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, phù hợp với việc thực hiện chiến lược hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, với Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, những nền tảng số đã được xây dựng tạo thành mạng lưới quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu rộng rãi, bao trùm lên toàn bộ đời sống kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển kỹ thuật số, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử cùng các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề này, vào tháng 7/2020 Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia, dự kiến kích thích tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm là 25%.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn gặp phải khó khăn trong việc phát triển công nghệ di động 5G. Báo cáo cho thấy, trong khi công nghệ di động 5G dự kiến trung bình chiếm 23% kết nối không dây vào năm 2025 thì ở Việt Nam, tỷ lệ này chỉ là 5%.
GSMA kết luận, mặc dù vậy Việt Nam đã cho thấy quyết tâm trong việc nỗ lực đạt mục tiêu đưa kỹ thuật số phát triển lên tầm cao mới.