MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Việt Nam đang đi khá nhanh trên con đường từ xe đạp, xe máy tới BMW"

21-08-2018 - 20:14 PM | Tài chính quốc tế

Đó là nhận định của ông Adam Sitkoff, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội.

Trao đổi với Bloomberg, ông Sitkoff đã nhắc tới những thế mạnh của Việt Nam như là nơi các nhà sản xuất có thể tìm tới để thay thế cho Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu kết thúc. Thậm chí, những lợi thế đã được nhìn ra từ nhiều năm trước khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Việt Nam tăng trưởng kinh tế với mức được coi là bùng nổ thu hút rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có hàng tỷ USD từ các công ty như Samsung Electronics Co. và Intel Corp. để tự biến mình trở thành một trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á.

"Đất nước này có lạm phát tương đối thấp, một đồng tiền ít biến động và một nền chính trị ổn định. Tất cả những điều này góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ hội rất rõ ràng. Việt Nam, đất nước với 95 triệu dân, đang đi khá nhanh trên con đường từ xe đạp, xe máy tới những chiếc BMW", ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Việt Nam là một điển hình ở Đông Nam Á trong xu thế chuyển đổi sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực. Điều này xảy ra trước khi Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra. Với nhiều ngành nghề, mức thuế nhập khẩu vào Mỹ dành cho Việt Nam và các nước láng giềng trong khu vực thấp hơn nhiều so với Trung Quốc.

Dù không còn được coi là quốc gia có nguồn nhân công quá rẻ nhưng cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ giúp Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn hẳn so với các quốc gia khác như Lào hay Campuchia. Việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa có thể diễn ra thuận lợi bằng cả đường biển, đường hàng không hay đường bộ.

Suốt nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng của thế giới. Chi phí sản xuất thấp bao gồm cả nhân công giá rẻ cùng những ưu đãi của chính phủ kéo các công ty nước ngoài tới đây dựng nhà máy. Trung Quốc xuất khẩu từ quần áo tới những chiếc bóng đèn LED hay các mặt hàng cao cấp khác. Tuy nhiên, kỷ nguyên đó dường như sắp kết thúc.

Trong nhiều năm, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy lợi nhuận của họ hao hụt vì chi phí sản xuất ở Trung Quốc gia tăng. Về chính sách, họ phải đối mặt với những quy định chặt chẽn hơn của Chính phủ Trung Quốc nhằm xây dựng một nền kinh tế bền vững và hướng tới dịch vụ nhiều hơn. Trung Quốc giờ dành những ưu đãi vượt trội cho ngành công nghệ như là một phần của nỗ lực nâng cấp nền kinh tế.

Giọt nước tràn ly chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, nơi Washington đánh thuế cao nhiều hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đông dân nhất thế giới dù đó là hàng của các công ty Mỹ. Khi Trung Quốc không còn là điểm đến lý tưởng, các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hay Việt Nam ngay lập tức được các nhà sản xuất nước ngoài để mắt trong vai trò thay thế vị trí của Trung Quốc.

Tuy nhiên, với quy mô của mình, khó có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc, nơi tạo ra lượng hàng hóa lên tới 2 nghìn tỷ USD. Việc thay thế cũng không thể diễn ra trong ngày một, ngày hay. Tuy nhiên, sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi. Nam Á và Đông Nam Á sẽ là những đích đến bởi chi phí lao động rẻ hơn. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc góp phần đẩy nhanh tiến trình đó.

Dù vậy, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất chạy đua cho mục tiêu thay thế Trung Quốc. Thái Lan đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực. Một trong số đó là chính sách miễn thuế 8 năm cho một số ngành hay miễn phí thuế nhập khẩu nguyên liệu thô. Trong khi đó, Thái Lan cũng đã là một trung tâm sản xuất chính của nhiều thiết bị điện tử và linh kiện.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên