MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đang nằm trong vùng có tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan cao nhất

30-07-2020 - 18:30 PM | Sống

Thông tin được Thiếu tướng GS.TS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết tại buổi Lễ kỷ niệm Ngày Viêm gan thế giới với chủ đề “Cho một tương lai không có viêm gan” và tọa đàm “Nâng cao phòng trị viêm gan ở Việt Nam”. Chương trình được tổ chức bởi Hội Gan mật Việt Nam phối hợp với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức.

Cũng theo GS, TS Lê Trung Hải, Ngày Viêm gan thế giới 2020 với chủ đề “Cho một tương lai không có viêm gan” có 5 thông điệp chính là: Dự phòng viêm gan B cho trẻ em; ngăn chặn lây truyền từ mẹ sang con; không để ai ở lại phía sau; mở rộng xét nghiệm và điều trị viêm gan virus; duy trì dịch vụ viêm gan cần thiết trong đại dịch COVID-19.

Thiếu tướng, GS.TS Lê Trung Hải cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang nằm trong vùng có tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan cao nhất thế giới. Phần lớn các ca nhiễm không được phát hiện sớm và điều trị nên dẫn tới các biến chứng không mong muốn như: Xơ gan, ung thư gan…, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Bệnh viêm gan tại Việt Nam phần lớn xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là nhiễm virus siêu vi và tình trạng lạm dụng rượu bia.

Theo các con số thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 8 triệu người bị Viêm gan B mãn và gần 1 triệu người nhiễm Viêm gan C mãn. WHO tính toán, mỗi năm có khoảng 40.000 người tại Việt Nam thiệt mạng do bệnh lý liên quan tới viêm gan. Ung thư gan chiếm nhiều nhất trong các loại bệnh ung thư tại Việt Nam với khoảng 25.000 ca tử vong mỗi năm. Tại Việt Nam, các bệnh lý viêm gan, xơ gan đang trở thành thách thức to lớn với nền y tế và chuyên ngành gan mật nước ta.

 Việt Nam đang nằm trong vùng có tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan cao nhất - Ảnh 1.

GS.TS Lê Trung Hải Chủ tịch- Hội Gan mật Việt Nam

Tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thuỳ Vân, Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, nguyên nhân của ung thư gan ở Việt Nam là viêm gan B và C. Trước gánh nặng của viêm gan virus, WHO năm 2016 đã có chiến lược của ngành y tế toàn cầu đối với viêm gan virus là đến 2030 phải loại trừ được virus viêm gan B.

TS. Vân cũng có biết, nói đến loại trừ ở đây không có nghĩa là không có một bệnh nhân nào viêm gan trên toàn cầu, mà chúng ta đạt được mục tiêu giảm 95% nhiễm mới viêm gan virus và hạn chế 60% bệnh nhân tử vong thì có thể khẳng định là đạt được loại trừ viêm gan virus. Tức là viêm gan virus không còn là nguy cơ đe doạ sức khoẻ cộng đồng nữa.

TS. Vân cũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu loại trừ viêm gan virus vào năm 2030 thì chúng ta phải can thiệp được 5 can thiệp: Đảm bảo đủ 3 liều vắc xin viêm gan B, thứ hai là dự phòng lây truyền từ mẹ sang con sẽ bao gồm sàng lọc viêm gan B cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng cho phụ nữ mang thai, khi con sinh ra phải viêm vắc xin viêm gan B ngay sau sinh.

Một can thiệp nữa là tiêm an toàn và an toàn truyền máu năm mục tiêu 2030 là đạt 100%. Ngoài ra, nguyên nhân gây viêm gan B còn ghi nhận cao ở người nghiện ma tuý, do đó đối với can thiệp giảm hại lây nhiễm viêm gan đó là chương trình bao cao su, chương trình methadol để giảm lây nhiễm qua hệ tình dục không an toàn và nghiện ma tuý…

Ngoài các thông điệp chung, các đại biểu dự tọa đàm cũng thảo luận bổ sung thêm 3 thông điệp đặc trưng riêng của Việt Nam nhân Ngày Viêm gan thế giới là: Kết hợp 2 nền y học điều trị viêm gan với diệt virus bằng y học hiện đại và tăng cường bảo vệ chức năng gan bằng y học cổ truyền; sàng lọc bệnh nhân viêm gan virus để sớm phát hiện ung thư gan bằng định kỳ tối thiểu mỗi 6 tháng xét nghiệm AFP và siêu âm gan; toàn dân chung tay đánh gục virus viêm gan, tiến tới loại trừ hoàn toàn viêm gan virus ở Việt Nam vào năm 2030.

Theo H.Nguyên

Sức khỏe đời sống

Trở lên trên