MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đặt mục tiêu mỗi người dân uống 52 lít bia, 3 lít rượu vào năm 2035

19-09-2016 - 16:19 PM | Thị trường

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2035 cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu. Dự kiến dân số Việt Nam 2035 ở mức 105 triệu người, thì trung bình mỗi người dân sẽ uống 52 lít bia, 3 lít rượu…

Tóm tắt:

- Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ sản xuất 5,5 tỷ lít bia, 350 triệu lít rượu, 15,2 tỷ nước giải khát

- Về sản xuất, khu vực sản xuất bia và nước giải khát trọng điểm sẽ tập trung tại Đông Nam Bộ. Sản xuất rượu tập trung ở Đồng bằng Sông Hồng.


Theo Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 mới được Bộ Công thương phê duyệt, Việt Nam đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển đến năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 4,1 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 35%); 6,8 tỷ lít nước giải khát.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 450 triệu USD.

Năm 2025, cả nước sản xuất khoảng 4,6 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 40%); 9,1 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD.

Năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỷ lít bia; 350 triệu lít rượu (trong đó rượu sản xuất công nghiệp chiếm 50%); 15,2 tỷ lít nước giải khát. Kim ngạch xuất khẩu đạt 900 triệu USD.

Dự kiến dân số Việt Nam 2035 ở mức 105 triệu người với phương án tỷ lệ sinh ở mức trung bình, thì trung bình mỗi người Việt sẽ uống 52 lít bia, 3 lít rượu…

Về sản xuất, năng lực sản xuất bia sẽ tập trung chính tại vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2025, cơ cấu tỷ lệ sản lượng bia của vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 7% (trong đó Đông Bắc Bộ 2%; Tây Bắc Bộ 5%); Đồng bằng sông Hồng 23,3%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 24,8% (trong đó Bắc Trung Bộ 15%; Nam Trung Bộ 9,8%); Tây Nguyên 4%; Đông Nam Bộ 31,4%; Đồng bằng sông Cửu Long 9,5%.

Sản lượng rượu sẽ tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung sẽ phát triển các loại vang, rượu hoa quả. Các vùng còn lại chủ yếu là rượu trắng và rượu pha chế, kết hợp với tinh chế các sản phẩm rượu làng nghề truyền thống địa phương.

Đến năm 2025, cơ cấu sản lượng rượu của từng vùng trên cả nước sẽ là: Trung du và miền núi phía Bắc 9,5% (trong đó Đông Bắc Bộ 4%; Tây Bắc Bộ 5,5%); Đồng bằng sông Hồng 29,5%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 17% (trong đó Bắc Trung Bộ 5%; Nam Trung Bộ 12%); Tây Nguyên 7,5%; Đông Nam Bộ 22,5%; Đồng bằng sông Cửu Long 14%.

Sản xuất nước giải khát sẽ tập trung tại vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Phát triển mạnh nước giải khát từ hoa quả tại các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung. Phát triển sản xuất nước tinh lọc và nước khoáng tại tất cả các vùng trên cả nước.

Đến năm 2025, cơ cấu tỷ lệ sản lượng nước giải khát của từng vùng trên cả nước sẽ là: Trung du và miền núi phía Bắc 8% (trong đó Đông Bắc Bộ 4,5%; Tây Bắc Bộ 3,5%); Đồng bằng sông Hồng 22%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 19,5% (trong đó Bắc Trung Bộ 5%; Nam Trung Bộ 14,5%); Tây Nguyên 2,5%, Đông Nam Bộ 31%; Đồng bằng sông Cửu Long là 17%.

Trước đó, quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 đã bị “vỡ trận”, khi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, công suất sản xuất bia thực tế cao gần gấp đôi so với quy hoạch. Trong khi đó, ngành bia giai đoạn 2005 – 2010 phát triển với tốc độ tăng trưởng 15 – 20%, sau đó lại giảm dần còn khoảng 8 – 10% do gốc phát triển của ngành ở mức độ thấp.

Theo Bình An

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên