MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam đẩy mạnh kho báu lớn gấp 8 lần Trung Quốc, 290 lần Mỹ, tỉnh nắm giữ lớn nhất khai thác 1.000 năm cũng chưa hết 'mỏ vàng' này với công suất hiện tại

Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu, thăm dò, khai thác kho báu lớn thứ 2 thế giới.

Việt Nam đẩy mạnh kho báu lớn gấp 8 lần Trung Quốc, 290 lần Mỹ, tỉnh nắm giữ lớn nhất khai thác 1.000 năm cũng chưa hết 'mỏ vàng' này với công suất hiện tại- Ảnh 1.

Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, Việt Nam có trữ lượng kho báu bô xít lớn thứ 2 thế giới, khoảng 5,8 tỷ tấn, gấp 8 lần Trung Quốc (710 triệu tấn), 290 lần Mỹ (20 triệu tấn).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, quặng bô xít phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Các khu vực có nhiều quặng bô xít như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), châu Phi (Guinea), châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam) và châu Âu (Hy Lạp, Nga).

Bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al).

Tại Việt Nam, Đắk Nông đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít. Theo Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng rất lớn về quặng bô xít với trữ lượng bô xít ước khoảng 1,8 tỷ tấn quặng tinh, tương đương 4,2 tỷ tấn quặng nguyên khai, hàm lượng nhôm đạt trên 40%. Hiện quặng bô xít đang chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Đắk Nông.

Nhiều khu vực đã được thăm dò, cấp phép khai thác và ngành khai thác bô xít, chế biến alumin đang dần trở thành một trụ cột trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc thù của quặng bô xít là phân bố rộng, trải dài trên nhiều diện tích, trong đó có nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, Đắk Nông đang từng bước gỡ vướng thủ tục đầu tư, mở đường cho việc triển khai nhanh các dự án khai thác, chế biến bô xít - alumin - nhôm.

Thời gian qua, Đắk Nông nỗ lực khai mở “mỏ vàng” bô xít. Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là nhà máy đầu tiên và duy nhất tính tới thời điểm này đặt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thực hiện nhiệm vụ chế biến bô xít thành alumin. Công suất nhà máy theo thiết kế 650.000 tấn alumin/năm, do Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư.

Với hơn 1,8 tỷ tấn quặng tinh có hàm lượng nhôm trên 40%, và với công suất 650.000 tấn alumin/năm thì hơn 1.000 năm chưa khai thác hết trữ lượng thăm dò được tại Đắk Nông.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Nông, căn cứ vào những đề xuất của TKV, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đã đồng ý cho TKV triển khai các thủ tục đầu tư nâng công suất của Tổ hợp alumin Nhân Cơ từ 650.000 tấn/năm lên 2 triệu tấn alumin/năm.

Hiện nay, Đắk Nông đã kiến nghị Bộ Công thương hỗ trợ hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai các thủ tục đầu tư để sớm nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác, chế biến quặng bô xít để sản xuất alumin, tiến tới sản xuất nhôm được đặt tại Đắk Nông. Quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đến năm 2016, dự án chính thức đi vào vận hành thương mại.

Từ khi đi vào vận hành đến nay, dự án đã đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến nay, dự án đang tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng; trong đó, phần lớn là lao động địa phương. Dự án đã góp phần tạo động lực cho phát triển các ngành dịch vụ, thương mại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách địa phương mỗi năm trên 400 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động và sản xuất, TKV chấp hành tốt 5 yêu cầu đề ra về: bảo đảm môi trường tự nhiên, giữ vững an ninh quốc phòng, giữ vững bản sắc văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hạ tầng giao thông. Đặc biệt, dự án đã góp phần quan trọng đối với việc tổng kết, đánh giá thí điểm đầu tư các Tổ hợp bô xít-alumin-nhôm tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng.

Sau 6 năm vận hành thương mại (2017-2023), dự án đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo bước đột phá mới cho kinh tế Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Minh Tiến

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên