Việt Nam: Điểm nóng mới của thị trường trung tâm dữ liệu châu Á - Thái Bình Dương
Thị trường trung tâm dữ liệu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD) đang phát triển mạnh mẽ, song cũng gặp thách thức lớn về việc đảm bảo đất đai phù hợp và nguồn cung điện ổn định. Trên bản đồ thị trường trung tâm dữ liệu CA - TBD, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng, được thúc đẩy bởi các sáng kiến của Chính phủ và nhu cầu tăng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng quan thị trường trung tâm dữ liệu bất động sản CA - TBD
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD) đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của ngành trung tâm dữ liệu, với nhiều loại hình khác nhau đang được mở rộng mạnh mẽ. Trong đó, theo ước tính của Structure Research, thị trường trung tâm dữ liệu colocation (dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ) tại khu vực CA - TBD đang bùng nổ với tốc độ tăng trưởng 13,3% mỗi 5 năm, dự kiến đạt 19.069MW công suất công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng vào năm 2028, tương đương gấp gần 2 lần so với năm 2023.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Bất Động Sản Công nghiệp, Savills Hà Nội, có hai lý do chính để lý giải về sự bùng nổ của trung tâm dữ liệu tại thị trường CA - TBD. Thứ nhất, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi quá trình số hóa, việc áp dụng điện toán đám mây, các dịch vụ sử dụng dữ liệu cao, sự phát triển của mạng 5G, mạng lưới thiết bị kết nối Internet, và các chính sách quy định yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại địa phương.
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là ChatGPT và các công cụ generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh), cũng thúc đẩy nhu cầu với ngành dữ liệu, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu có công suất CNTT lớn (hyperscale). Các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Amazon Web Services, Microsoft và Google đã tích cực thuê và phát triển các hyperscaler, chiếm 60% tổng công suất trung tâm dữ liệu hyperscale trên toàn thế giới.
Thứ hai, lãi suất vay ở mức cao và có vẻ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian dài, cùng với Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) trì hoãn cắt giảm lãi suất, dẫn đến việc theo đuổi lợi nhuận của các nhà đầu tư trở nên mạnh mẽ hơn. Trước bối cảnh này, thị trường trung tâm dữ liệu đã nổi lên như một loại tài sản thay thế hấp dẫn, mang lại lợi nhuận tốt hơn cùng với tiềm năng tăng trưởng lớn thu hút các nhà đầu tư.
Savills ghi nhận, trong quý 1/2024, các thương vụ mua lại trung tâm dữ liệu tại khu vực CA - TBD đã đạt đỉnh 1,7 tỷ USD, tăng 81% so với quý trước và 325% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 80% tổng khối lượng đầu tư cho cả năm 2023.
Mặt khác, việc đảm bảo quỹ đất phù hợp và nguồn cung điện ổn định đã trở thành thách thức lớn với thị trường trung tâm dữ liệu. Vị trí các trung tâm dữ liệu cần gần với các hạ tầng thiết yếu như mạng lưới điện và hệ thống internet. Mức tiêu thụ năng lượng cao của các trung tâm dữ liệu lớn như hyperscale làm tăng áp lực lên lưới điện địa phương, gây ra các vấn đề về độ trễ và vận hành. Công cuộc tìm kiếm quỹ đất và nguồn điện đã gây áp lực lên các chủ đầu tư, buộc họ phải mở rộng quy mô tại các địa điểm chiến lược càng sớm càng tốt. Điều này tiếp tục đẩy chi phí phát triển lên cao. Chưa kể, các bên liên quan bao gồm Chính phủ, khách hàng và xã hội yêu cầu các trung tâm dữ liệu sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và giảm thiểu dấu chân carbon cũng là áp lực lớn đối với các nhà phát triển trung tâm dữ liệu.
Sự gia tăng chi phí đầu tư ban đầu, biểu giá điện, cùng các chi phí vận hành và bảo trì đã khiến trung tâm dữ liệu trở thành một khoản đầu tư đòi hỏi vốn lớn. Do đó, ngày càng nhiều các thương vụ hợp tác giữa các nhà đầu tư và các nhà vận hành trung tâm dữ liệu diễn ra để đẩy nhanh tốc độ mở rộng. Ví dụ, GDS đã huy động 587 triệu USD thông qua một thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần, trong khi KKR cam kết đầu tư lên tới 800 triệu USD để mua lại 20% cổ phần trong doanh nghiệp trung tâm dữ liệu khu vực của Singtel. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để mở rộng tại các thị trường ASEAN, bao gồm Singapore, Indonesia và Thái Lan, đồng thời khám phá các thị trường như Malaysia.
Thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, tiềm năng lớn
Việt Nam đang phát triển nhanh chóng trong khu vực, với giá trị thị trường dự báo sẽ tăng lên 1,04 tỷ USD vào năm 2028, từ mức 561 triệu USD vào năm 2022, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,7%.
Ông Thomas Rooney phân tích: “Việt Nam có 33 trung tâm dữ liệu với tổng số 48 nhà cung cấp dịch vụ và ước tính công suất khoảng 80MW tính đến quý 1/2024. Các khu vực phía Bắc và phía Nam chiếm 94% nguồn cung trung tâm dữ liệu hiện có, khu vực miền Trung chỉ chiếm 6%. Trong đó, các trung tâm chính nằm ở Hà Nội và TP.HCM, lần lượt có 16 và 13 cơ sở đã được thiết lập. Do đó, nhu cầu về đất công nghiệp để xây dựng các trung tâm dữ liệu đang tăng lên tại các khu vực đô thị như Hà Nội và TP.HCM.”
Nhằm khuyến khích sự phát triển của trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, Chính phủ đang tăng tốc trong quá trình chuyển đổi số, với các sáng kiến nhằm định hướng đất nước trở thành một trung tâm số quan trọng trong khu vực. Chương trình Chuyển đổi số do Chính phủ hậu thuẫn đặt mục tiêu chuyển đổi 50% doanh nghiệp sang nền tảng số vào năm 2025. Kết nối 5G của Việt Nam cũng hỗ trợ triển khai các trung tâm dữ liệu biên và cung cấp kết nối đến người dùng cuối cùng với độ trễ thấp hơn.
“Việc phát triển các trung tâm dữ liệu cần có sự đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, từ việc đảm bảo nguồn cung điện ổn định đến việc xây dựng các cơ sở vật chất hiện đại. Điều này góp phần đẩy giá đất và chi phí thuê bất động sản công nghiệp tại các khu vực phía Bắc và phía Nam lên cao, đồng thời tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản và các nhà phát triển hạ tầng”, chuyên gia Savills nói thêm.
Hiện nay, cảnh quan trung tâm dữ liệu ở Việt Nam chủ yếu do một số công ty viễn thông địa phương chi phối, bao gồm VNPT, Viettel IDC, CMC Telecom, FTP Telecom và VNG Cloud. Trong khi đó, các nhà khai thác nước ngoài như GDS, Telehouse và NTT, thường tham gia thị trường thông qua các liên doanh, chiếm một phần nhỏ hơn nhiều trong thị trường.
Tuy nhiên, Savills đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu tìm kiếm địa điểm đặt trung tâm dữ liệu từ các nhà vận hành nước ngoài. Ví dụ, Amazon Web Services đã công bố ra mắt các trung tâm dữ liệu biên tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 8/2022. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, Alibaba, cũng đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu của riêng mình để tuân thủ các quy định địa phương về việc lưu trữ dữ liệu trong nước. Mặc dù các chi tiết cụ thể như chi phí và thời gian vẫn chưa được tiết lộ, công ty dự kiến sẽ đầu tư hơn 1 tỷ USD vào dự án này, thể hiện sự tin tưởng của họ vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, các công ty nước ngoài cần phải ký kết thỏa thuận thương mại với một công ty viễn thông Việt Nam để cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu trong nước. Tuy nhiên, tình hình này có thể sớm thay đổi. Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam gần đây đã đề xuất Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông năm 2023, sẽ cho phép đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và sở hữu 100% của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông trực tiếp qua internet) và điện toán đám mây. Luật Viễn thông 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, và các nhà hoạch định chính sách dự kiến Dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và ban hành cùng ngày.
Trước bối cảnh này, ông Thomas Rooney nhấn mạnh: “Savills kỳ vọng một lượng vốn đáng kể sẽ được đổ vào thị trường Việt Nam khi các chính sách và quy định liên quan được làm rõ hơn”.
vnmedia