Việt Nam - Điểm sáng về tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của khu vực
Việt Nam luôn được đánh giá là điểm sáng trong khu vực về tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.
- 29-09-2022Kinh tế 9 tháng: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn
- 04-09-2022Nhiều triển vọng về tăng trưởng xuất khẩu cả năm
- 02-09-2022Có cơ sở để GDP tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỷ USD
Trích dẫn dự báo tăng trưởng 7,2% cho năm 2022 của Ngân hàng Thế giới, trang tin Thailande.fr nhận định: "Việt Nam sẽ là đầu tàu tăng trưởng của châu Á".
"Việt Nam là một trường hợp hiếm có hiện nay, khi có tăng trưởng kinh tế tích cực, ngay cả trong dịch COVID-19, trong thời buổi tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay. Nguyên nhân chính theo tôi nghĩ đó là phản ứng kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch, phản ứng cũng như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giữ vững phát triển kinh tế", bà Valeria Vershinina - chuyên gia phân tích Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moscow cho hay.
Báo cáo của về Chỉ số PMI của Việt Nam tháng 9 cũng chỉ ra rằng, mặc dù tồn kho hàng thành phẩm tăng do doanh số bán giảm nhẹ nhưng kỳ vọng về nhu cầu thị trường và số lượng đơn đặt hàng mới đều cải thiện, cùng với niềm tin đại dịch COVID-19 sẽ vẫn được kiểm soát - đây là những yếu tố củng cố tinh thần lạc quan về triển vọng sản lượng của ngành trong năm tới.
"Tình hình hoạt động của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam thực sự khá thuận lợi so với nhiều khu vực khác trên thế giới vào thời điểm hiện tại. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đang chậm lại và suy yếu, những gì khách hàng đang tìm kiếm là giá trị hàng hoá xứng đáng với đồng tiền. Việc lạm phát không thực sự là một vấn đề ở Việt Nam vào thời điểm hiện tại giúp các công ty có giá cả cạnh tranh hơn", ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay.
Việt Nam - Điểm sáng trong khu vực về tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Bài viết có tiêu đề "Việt Nam - miền đất hứa của châu Á", đăng tải trên trang tin "Đầu tư - Investir" tiếng Pháp cho rằng, bên cạnh lực lượng lao động tay nghề cao và hệ thống các hiệp định thương mại giúp gỡ bỏ các rào cản thương mại, yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư còn là chủ trương của Chính phủ, ưu tiên kêu gọi dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đồng thời đáp ứng các điều khoản về bảo vệ môi trường.
Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Hội đồng tư vấn EuroCham nhận định: "Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ sớm được phê chuẩn và tất nhiên điều đó sẽ làm tăng thêm sự quan tâm của doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam".
Trong bài viết có tiêu đề "Việt Nam và những con hổ mới của châu Á", chuyên trang kinh tế và tài chính Agefi của Thuỵ Sĩ nhận định: Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực Đông và Đông Nam Á, được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của Chính phủ và sự hội nhập ngày càng sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu .
VTV.VN