MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam được lợi ích gì khi TPP bị hủy bỏ?

Cái mà TPP mang lại được nhiều nhất cho Việt Nam không phải là những lợi ích trực tiếp từ thương mại hàng hóa và dịch vụ mà là ở những lợi ích liên quan đến thể chế.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI. Theo đó, những công việc đã làm với TPP là có ý nghĩa kể cả khi TPP không được thông qua.

Tuy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) không còn tồn tại, song chuyên gia đánh giá quá trình chuẩn bị của Việt Nam để gia nhập Hiệp định này cho thấy Việt Nam đã được hưởng lợi từ sự chuẩn bị ấy.

“Chúng tôi quan niệm cái mà TPP mang lại được nhiều nhất cho Việt Nam không phải là những lợi ích trực tiếp từ thương mại hàng hóa và dịch vụ mà là ở những lợi ích liên quan đến thể chế,” bà Nguyễn Thị Thu Trang nói. “Những cải cách để đạt được những tiêu chuẩn mới của quốc tế trong môi trường kinh doanh cũng như trong các quy tắc kinh doanh, đầu tư. Vì thế, ngay cả khi không có TPP, chúng ta vẫn tiếp tục với những cải cách này và lợi ích vẫn thuộc về Việt Nam”.


Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. Ảnh: NT

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập. Ảnh: NT

Hơn nữa, TPP không phải là tất cả với Việt Nam bởi chúng ta còn có nhiều hiệp định thương mại tự do khác và tất cả đều dựa trên tiêu chuẩn mới. Vì thế, việc chúng ta tiếp tục thực hiện những công việc rà soát để thực hiện cho cải cách đối với nền kinh tế thông qua TPP là rất có ý nghĩa trong bất kỳ kịch bản nào.

Quá trình chuẩn bị cho TPP, Việt Nam đã phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành. Toàn bộ quá trình rà soát là một khối lượng công việc khổng lồ và có ý nghĩa với hệ thống chính sách pháp luật của Việt Nam, bởi không phải lúc nào chúng ta cũng có được một cuộc rà soát tổng thể hệ thống thể chế.

Việc rà soát này cũng giúp chúng ta nhận ra những vấn đề cần phải xử lý, đó là quá trình thay đổi nhận thức về tư duy, để học những cái mới. Từ quá trình ấy, chúng ta đã và đang thay đổi, điển hình nhất là việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… và những luật quan trọng khác thời gian qua, trong đó có đưa vào nhiều điểm mới từ quá trình đàm phán TPP.

Một trong những lĩnh vực được hưởng lợi từ sự chuẩn bị này là sở hữu trí tuệ. Đây cũng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều thời gian nhất trong quá trình đàm phán giữa các bên khi có quá nhiều yêu cầu và tiêu chuẩn cao liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ.

“Đối với chúng ta, khi không có TPP, đương nhiên những yêu cầu này sẽ không thực hiện, nhưng đừng quên là chúng ta còn có Hiệp định EVFTA và nó có những quy định, tiêu chuẩn tương đương với TPP, nên việc xem xét, so sánh, đánh giá tính tương đương với TPP vẫn luôn có ý nghĩa,” bà Trang nói.

Theo Luật sư Quách Minh Trí – Công ty Luật Baker & MCkenzie - có hơn 70 Điều trong chương về sở hữu trí tuệ trong TPP với những điều khoản phản ánh hơi thở của cuộc sống. Với việc TPP không được thông qua, chúng ta sẽ có quyền lựa chọn đối với những điều khoản nào phù hợp nhất với sự phát triển của xã hội chúng ta hiện nay, và chúng ta có thể tạm thời không áp dụng những điều khoản không phù hợp với Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta có cơ hội để cải cách thể chế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ từ những điều khoản phù hợp mà không nhất thiết phải áp dụng những điều khoản chưa phù hợp.

Một số quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP mà chúng ta nên áp dụng để theo kịp với thông lệ quốc tế như: định nghĩa về chương trình biểu diễn, về tổ chức phát sóng, về bản quyền… “Chương về quyền tác giả, trong trường hợp sử dụng bản ghi âm, người sử dụng không chỉ phải xin phép tác giả mà còn phải xin phép người biểu diễn và nhà sản xuất,” Luật sư Quách Minh Trí nói.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, TPP không được thông qua là chúng ta có cơ hội vô cùng tốt để lựa chọn làm cái gì và không làm cái gì. Đó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, từ đó tìm ra đâu là điểm cân bằng lợi ích của công chúng, vì trong một xã hội đang cần sự sáng tạo để có thể phát triển và để sáng tạo tiếp theo, nhu cầu của công chúng là nhu cầu lớn. Nhưng nhu cầu của các chủ thể sáng tạo cũng là rất lớn, nếu không được bảo hộ, họ sẽ không có động lực để tiếp tục sáng tạo.

“Cải cách thể chế trước tiên có lợi cho Việt Nam trước khi nói đến việc có lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên, việc không có TPP cũng sẽ mang lại làn gió mới, diện mạo mới cho hệ thống pháp luật Việt Nam, tất nhiên với điều kiện chúng ta có quyết tâm. Tiếp tục cải cách hay không là quyền lựa chọn của chúng ta và tôi luôn hy vọng chúng ta sẽ có sự lựa chọn đúng đắn vì lâu dài,” bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Theo Nguyễn Tuân

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên