Việt Nam là quốc gia mục tiêu trong danh sách chiến lược của Italy
Nhằm triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế năm 2023, Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng đã có các cuộc gặp làm việc với lãnh đạo các Tập đoàn tín dụng CDP, Tổ chức tín dụng Simest (trực thuộc CDP), Tập đoàn bảo hiểm tín dụng SACE và Liên đoàn giới chủ Confindustria của Italy.
- 11-02-2023Phê duyệt Quy hoạch chung TP. Hạ Long đến năm 2040
- 11-02-2023Những thay đổi quan trọng về tuổi nghỉ hưu, lương hưu năm 2023 người lao động cần nhớ
- 11-02-2023Khách đoàn Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam
Đại sứ Dương Hải Hưng gặp và làm việc với ông Pasquale Salzano, Chủ tịch Simest, Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế của Tập đoàn CDP.
Phóng viên TTXVN tại Italy dẫn lời ông Pasquale Salzano - Chủ tịch Simest, Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu và quốc tế của Tập đoàn CDP, khẳng định Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên chiến lược của Simest. Là một công ty thuộc Tập đoàn CDP với ba chức năng chính là hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tín dụng xuất khẩu, cho vay cổ phẩn và đầu tư mạo hiểm, Simest luôn đồng hành cùng các công ty Italy trong suốt quá trình quốc tế hóa, hỗ trợ từ khâu đánh giá ban đầu về mở cửa thị trường mới, đến mở rộng hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thông qua việc tài trợ, hỗ trợ tín dụng xuất khẩu và góp vốn cổ phần trong các công ty. Đến nay, Simest đã hoàn thành việc xây dựng một nền tảng kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữa Việt Nam và Italy, dự kiến sẽ sớm được công bố trong năm 2023.
Bày tỏ tình cảm tốt đẹp dành cho Việt Nam, bà Ale Alessandra Ricci - Giám đốc điều hành Tập đoàn bảo hiểm tín dụng SACE - cho biết Việt Nam là quốc gia mục tiêu trong danh sách chiến lược, nơi SACE sẽ tập trung triển khai các hoạt động thời gian tới, trước mắt là thông qua việc quyết định thành lập văn phòng tạm thời tại Việt Nam. SACE là công ty tài chính - bảo hiểm, thông qua các công cụ và giải pháp tài chính - bảo hiểm hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Italy trên phạm vi toàn cầu. Trong hơn 40 năm qua, SACE đã là đối tác của nhiều công ty Italy xuất khẩu và phát triển tại các thị trường nước ngoài thông qua các hoạt động bảo lãnh và kết nối thị trường. Riêng đối với thị trường Việt Nam, SACE đã xây dựng chiến lược thúc đẩy, bảo lãnh để doanh nghiệp Việt Nam được SACE lựa chọn có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi ngân hàng không kèm điều kiện mang tính ràng buộc.
Doanh nghiệp được lựa chọn sẽ thường xuyên thông báo về kết quả hoạt động và cam kết tham gia các sự kiện kết nối với các doanh nghiệp Italy do SACE tổ chức. Hiện danh mục các doanh nghiệp Việt Nam được đưa vào danh sách ưu tiên bảo lãnh tiềm năng của SACE tương đối đa dạng trong các lĩnh vực thực phẩm đồ uống, năng lượng, cơ khí với số vốn bảo lãnh lên tới 1,3 tỷ euro. Gần đây nhất, Công ty Nutifood trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã được giải ngân nhiều triệu euro vốn vay do SACE bảo lãnh. Ngoài hoạt động bảo lãnh tài chính, SACE cũng tăng cường triển khai một số hoạt động kết nối thị trường cho các doanh nghiệp.
Đại sứ Dương Hải Hưng gặp và làm việc với bà Barbara Beltrame Giacomello, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Tập đoàn SACE.
Cũng tại cuộc gặp, đại diện cho Liên đoàn giới chủ Confindustria, bà Barbara Beltrame Giacomello - Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của tổ chức này - cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp Italy quan tâm đến thị trường Việt Nam và Confindustria sẽ tập trung hơn đến Việt Nam như một trọng tâm trong khu vực châu Á. Là liên đoàn giới chủ trong lĩnh vực sản xuất, thông qua các hiệp hội thương mại và địa phương, đại diện các công ty sản xuất hàng hóa và dịch vụ, Confindustria hiện đóng góp hơn 34% GDP của Italy. Với bề dày kinh nghiệm quốc tế hóa và liên kết, Confindustria đã và đang tích cực hoạt động, mở rộng mạng lưới ra bên ngoài thông qua việc thành lập các hiệp hội lớn, đại diện cho các công ty Italy tại nhiều quốc gia.
Đại sứ Dương Hải Hưng bày tỏ vui mừng trước việc các cơ quan, tổ chức hàng đầu của Italia đều đánh giá cao và dành cho Việt Nam vị trí trọng tâm, ưu tiên trong các kế hoạch hoạt động của mình trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Á. Đại sứ nhấn mạnh quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và những lợi thế về nhiều mặt của Việt Nam trong khu vực, cũng như sự bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế Việt Nam và Italy, chia sẻ các lĩnh vực ưu tiên hợp tác kinh tế mà Việt Nam mong muốn thúc đẩy với Italy.
Đại sứ bày tỏ hoan nghênh, ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng các kế hoạch và dự án thúc đẩy hợp tác với Việt Nam và đề nghị các cơ quan, tổ chức tăng cường hơn nữa phối hợp với Đại sứ quán trong các hoạt động nhằm góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh năng động, thuận lợi, hiệu quả; tăng cường kết nối các tổ chức, doanh nghiệp và các địa phương hai nước, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm đạt được các mục tiêu mà lãnh đạo hai nước đã đề ra.
Báo tin tức