Việt Nam là thị trường đầu tư đầy hấp dẫn bất chấp khủng hoảng
Triển vọng kinh tế lạc quan, sức cầu nội địa lớn cùng các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh giúp Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu với dòng vốn nước ngoài.
Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vốn FDI vào Việt Nam tăng 9,2% so với năm trước đó. Bước sang năm 2022, dòng vốn này được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ những chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa nền kinh tế sau hai năm trì trệ bởi dịch bệnh.
Tính đến ngày 20/3/2022, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm hơn 4 tỷ USD, tương đương mức tăng hơn 93% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vốn FDI thực hiện ước tính tăng gần 8% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng quý I cao nhất trong 5 năm qua.
Những dữ liệu tích cực trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lạc quan và đặt nhiều niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Ông Michael Dommermuth, Chủ tịch Wealth and Asset Management châu Á, Tổng giám đốc Manulife Investment Management Hồng Kông, đã có những chia sẻ chi tiết hơn về vị thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại giữa bối cảnh mới.
Theo ông, những yếu tố nào giúp Việt Nam đạt được các kết quả kinh tế tích cực bất chấp ảnh hưởng từ Covid-19 thời gian qua?
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống hiệu quả, chính sách thích ứng linh hoạt nhằm giảm thiểu thiệt hại do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Do đó, Việt Nam đã sớm mở cửa trở lại ngay đầu quý IV/2021, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và kết thúc năm với mức tăng trưởng dương.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như chính sách tài khóa linh hoạt, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ, hỗ trợ lãi suất, giảm thuế…cũng như việc mở cửa du lịch sớm cũng là hàng loạt động thái tích cực đóng góp không nhỏ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài khu vực sản xuất, chứng khoán Việt Nam cũng đang ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư ngoại. Ý kiến của ông về điều này như thế nào? Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ khu vực?
Sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, cùng với nhu cầu tích lũy và gia tăng tài sản theo đó cũng gia tăng mạnh mẽ, thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một trong những kênh đầu tư nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thời gian tới.
Chúng ta có thể thấy được điều tương tự đã diễn ra tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn như Hàn Quốc, Trung Quốc … khi thu nhập bình quân đầu người gia tăng tác động rất lớn đến tăng trưởng của thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn đang được định giá rất hấp dẫn, PE dự phóng ở mức 13 lần, và là mức thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực và so với mức định giá trong quá khứ.
Thêm vào đó, các yếu tố cơ bản đảm bảo cho sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong thập kỷ tới như lực lượng lao động trẻ, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng, sức cầu nội địa đang gia tăng nhanh cũng mang lại lợi thế rất lớn, giúp Việt Nam liên tục chinh phục các bước phát triển vượt bậc.
Chính vì thế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông đánh giá thế nào về sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới?
Có ba yếu tố chính giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm đà tăng trưởng trong tương lai nhờ những điểm sáng từ trước và trong đại dịch, sức cầu nội địa lớn nhờ cơ cấu dân số vàng, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu bùng nổ.
Cuối cùng là dòng FDI liên tục đổ vào Việt Nam khi các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện chính sách Trung Quốc +1 nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng, cùng hàng loạt hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.
Những yếu tố vĩ mô trên sẽ là bệ phóng để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng nhanh về quy mô, doanh thu, lợi nhuận, và là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến đầy tiềm năng do bản chất của dòng vốn đầu tư là tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng nhanh.
Theo ông, Việt Nam cần thêm những thay đổi cần thiết nào để ngày càng hấp dẫn hơn với dòng vốn ngoại?
Tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt cho sự tăng trưởng của các hoạt động kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam; tiếp tục việc cải cách kinh tế nhằm đảm bảo sư ổn định vĩ mô và đà tăng trưởng cao nhằm duy trì tính hấp dẫn của thị trường với dòng vốn bên ngoài.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên tinh gọn các thủ tục đăng ký và thực hiện đầu tư, tạo ra các sản phẩm giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận thị trường và phòng ngừa rủi ro khi đầu tư vào Việt nam.
Nếu có thể thực hiện tốt những điều này, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là một điểm đến hàng đầu đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Với nhận định như trên thì chiến lược của Tập đoàn Manulife tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
Với tiềm năng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cũng như sự bùng nổ của nhu cầu đầu tư và đặc biệt là Quỹ Mở trong thời gian gần đây, tôi có thể khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường chiến lược của Manulife Investment Management trong những năm sắp tới. Tiếp tục phát huy thế mạnh đầu tư từ tập đoàn toàn cầu, đẩy mạnh số hóa, mở rộng hệ thống phân phối và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng là những hoạt động chủ chốt mà chúng tôi đang rất chú trọng để chiếm lĩnh được thị trường.
Là tập đoàn tài chính toàn cầu với hơn 130 năm kinh nghiệm quản lý đầu tư, văn phòng tại 18 quốc gia với tổng tài sản quản lý, giám sát lên đến 1.100 tỷ Đô la Mỹ tại thời điểm 31/12/2021, đặc biệt với thế mạnh là một trong những nhà cung cấp Quỹ hưu trí hàng đầu tại Bắc Mỹ cũng như Châu Á, đứng thứ 2 tại Canada và Indonesia, số 1 tại Hong Kong về quản lý quỹ hưu trí, chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc mang đến cho khách hàng Việt Nam các giải pháp đầu tư nhằm gia tăng tài sản mà còn hướng đến việc giúp cho khách hàng hoạch định và đạt được tự do hưu trí cùng với các sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi.
Cảm ơn ông!