Việt Nam là vị trí thực sự tốt mà nhiều DN tìm kiếm
Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) nhận định Việt Nam đang ở một vị trí thực sự tốt mà các DN quốc tế đang tìm kiếm địa điểm đầu tư thứ hai bên ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn ở bên trong châu Á.
- 19-08-2022Địa phương được PVN đề xuất đầu tư Tổ hợp lọc hóa dầu và Kho dự trữ hơn 18 tỷ USD có gì đặc biệt?
- 18-08-2022Top 3 quốc gia dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng thu nhập bình quân trong 10 năm: Việt Nam xếp thứ mấy?
- 15-08-2022Sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng so với thu nhập của Việt Nam ở mức nào so với các nước trong khu vực?
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Marko Walde bày tỏ ấn tượng trước những tiến bộ vượt bậc và thành công của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng qua.
Theo ông Marko Walde, tất cả những thành tựu này không chỉ được các tổ chức quốc tế ghi nhận, mà đặc biệt, còn được các công ty quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá cao.
Các tổ chức quốc tế đã nhận định tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam tăng liên tục trong thời gian qua, đặc biệt là khi so sánh với các quốc gia khác trên toàn thế giới, tại Châu Á, hay thậm chí là Đông Nam Á.
Từ những đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy, nhìn chung, triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới khá lạc quan.
Trưởng Đại diện AHK cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt vị thế của mình là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như những lợi thế mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại.
ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên và 4 trong số các quốc gia này là thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đặc biệt, chỉ có hai quốc gia là Singapore và Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Có thể nhận thấy rõ sự chuyển dịch về xu hướng kinh tế nhắm tới các quốc gia Đông Nam Á khi mà các công ty quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc trong đó có cả các DN Đức, đang thực hiện chiến lược Trung Quốc+1.
Điều đó có nghĩa là các DN quốc tế đang tìm kiếm địa điểm đầu tư thứ hai bên ngoài Trung Quốc, nhưng vẫn ở bên trong châu Á. Việt Nam đang ở một vị trí thực sự tốt để đảm nhận vai trò này.
Những thành quả này rất có ý nghĩa khi mà Việt Nam phải đổi mặt với rất nhiều thách thức trong những tháng đầu năm nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Ngay từ đầu, Chính phủ Việt Nam đã rất thành công trong việc đảm bảo sự cân bằng giữa việc bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, Trưởng Đại diện AHK đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng với Bộ Tài chính trong việc đề ra các chính sách tài khóa linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá dầu tăng đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với những thách thức và rủi ro do việc gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bên cạnh những thách thức khác như xung đột chính trị và chiến tranh thương mại.
Do vậy, Việt Nam nên giám sát và quan sát những diễn biến này, cũng như tăng cường khả năng can thiệp nhanh trong trường hợp cần thiết.
Nhìn chung, ông Marko Walde bày tỏ tin tưởng, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022, trong năm 2023 và thời gian tới sẽ rất lạc quan và phát triển rất thành công.
Việt Nam cần phát triển nguồn năng lượng xanh, bền vững, lực lượng lao động tay nghề cao
Đề cập tới những khuyến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, ông Marko Walde cho rằng, hầu hết các công ty quốc tế và các DN Đức đang yêu cầu nguồn năng lượng xanh và bền vững hơn để phục vụ cho sản xuất ở Việt Nam.
Vì vậy, Trưởng Đại diện AHK đề nghị các công ty này làm việc với Chính phủ để củng cố và phát triển kế hoạch năng lượng xanh, các nguồn năng lượng xanh và các giải pháp năng lượng thay thế tại Việt Nam.
Thêm vào đó, ông Marko Walde nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong nước khi mà hầu hết các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt đến từ Đức, đang tìm kiếm các đối tác trong nước tại Việt Nam.
Mặc dủ các DN nước ngoài có thể nhập khẩu 100% nguyên liệu thô phục vụ cho sản xuất, nhưng hầu hết các công ty muốn hợp tác với các nhà cung cấp ngay tại các địa phương, đối tác nguồn cung ứng và các đối tác dịch vụ khác gần địa điểm đầu tư,
Do đó, Việt Nam cần phát triển những công ty đạt tiêu chuẩn quốc tế với những hiểu biết nhất định và quản lý chuyên nghiệp và mở đường cho các công ty này phát triển trở thành đối tác hợp tác tiềm năng đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Cuối cùng, mọi công ty đều cần một lực lượng lao động có tay nghề cao. Điều quan trọng là cần có một hệ thống đào tạo nghề phù hợp để phục vụ cho phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Phía AHK Việt Nam đã triển khai chương trình Đào tạo nghề song hành theo tiêu chuẩn của Đức vào năm 2013. Chương trình này và các hoạt động thực hành hướng tới nhu cầu của các công ty Đức đang hoạt động tại Việt Nam.
Lúc đầu, chỉ có 25 người tham gia chương trình, đến năm 2021, đã có hơn 400 học viên theo học 9 ngành nghề. Đây là đóng góp của phía AHK Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và lĩnh vực giáo dục-đào tạo nói riêng.
Trong thời gian tới, các Doanh nghiệp Đức phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn từ phía các quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ, trong đó có ESG (quy định về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) hay các quy định mới về chuỗi cung ứng bền vững.
Vì vậy, các công ty Việt Nam cần phải tuân theo những tiêu chuẩn quốc tế này. Phía AHK Việt Nam còn sẵn sàng cấp thông tin thích hợp cho các công ty nước ngoài cũng như doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn pháp lý này.
Ông Marko Walde cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết trong việc thiết lập một dịch vụ tư vấn cho cả các công ty Việt Nam và Đức nhằm tăng cường hợp tác trong thời gian tới./.
VGP