MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam làm gì để giải quyết vấn đề "già hóa dân số" - vấn đề khủng hoảng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản?

Việt Nam làm gì để giải quyết vấn đề "già hóa dân số" - vấn đề khủng hoảng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản?

Mức sinh của Việt Nam 30 năm qua đã giảm gần một nửa, dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,51 triệu người.

Trung Quốc

"Niên giám thống kê Trung Quốc 2021" do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố tỷ lệ sinh năm 2020 là 8,52 ca sinh nở/1.000 người. Tỷ lệ này giảm so với 10,41 ca/1.000 người năm 2019. Đây là mức thấp nhất kể từ khi hoạt động thu thập dữ liệu này được thực hiện vào năm 1978.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc trong năm 2020 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục cho thấy nguy cơ xảy ra khủng hoảng về nhân khẩu học tại đất nước tỷ dân. Vấn đề Trung Quốc phải đối diện là lực lượng lao động già hóa nhanh, nền kinh tế trì trệ và tăng trưởng dân số ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Năm 2016, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách "một con", theo đó cho phép các cặp vợ chồng có 2 con. Đến năm 2021, chính sách này được nới lỏng hơn nữa với việc cho phép các cặp vợ chồng có 3 con. Tuy nhiên, những thay đổi này không thúc đẩy được tỷ lệ sinh tại Trung Quốc do chi phí sinh hoạt tăng cao và ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn kế hoạch hóa gia đình.

Hàn Quốc

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) cảnh báo tỷ lệ sinh thấp, già hóa dân số của Hàn Quốc đang ở mức có thể đe dọa tới sự tồn vong của hệ thống kinh tế, xã hội. Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đang nằm trong mức thấp nhất thế giới, lý do phổ biến nhất là giới trẻ không muốn sinh con và kết hôn muộn. Gánh nặng tài chính do nuôi dạy con cái tại Hàn Quốc rất tốn kém.

Trong báo cáo về rủi ro cơ cấu của biến đổi dân số và chiến lược đối phó, KDI cho biết tỷ lệ sinh bình quân của phụ nữ Hàn Quốc (số con bình quân/một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh đẻ) đã giảm ba năm liên tiếp. Tỷ lệ bình quân giảm từ 0,98 trẻ năm 2018 xuống 0,92 trẻ năm 2019 và 0,84 trẻ năm 2020.

Tổng số trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2020 là 272.000 trẻ, bằng 62,1% mức sinh của năm 2015. Dân số Hàn Quốc dự kiến giảm 14 triệu người trong vòng 50 năm tới. Trong thời gian tới, tỷ lệ già hóa dân số sẽ tiếp tục tăng mạnh, được dự báo sẽ tăng từ 16% năm 2020 lên 25% năm 2030, 34% năm 2040 và 44% năm 2060.

Việt Nam làm gì để giải quyết vấn đề già hóa dân số - vấn đề khủng hoảng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản? - Ảnh 1.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc nằm trong mức thấp nhất thế giới do giới trẻ không muốn sinh con và kết hôn muộn

Nhật Bản

Kết quả cuộc điều tra vào tháng 10/2020 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy, dân số nước này trong vòng 5 năm đã giảm gần một triệu người, đạt hơn 126 triệu người.

Năm 2020, Nhật Bản ghi nhận khoảng 843.000 ca sinh, con số thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu lưu giữ tỷ lệ sinh. Đến năm 2021, số trẻ em dưới 15 tuổi tại Nhật Bản đã giảm 190.000 người xuống còn 14,93 triệu người, đánh dấu 40 năm giảm liên tiếp. Trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 11,9% dân số, mức thấp nhất trên thế giới.

Sự sụt giảm trên phản ánh thách thức dai dẳng của Nhật Bản trong việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm. Điều này khiến thế hệ trẻ của Nhật Bản ngày càng "thu mình" đối với công việc và kinh doanh, nuôi dưỡng mong ước muốn ổn định lâu dài đồng thời không muốn kết hôn hay sinh con.

Việt Nam

Dân số trung bình năm 2021 của cả nước ước tính 98,51 triệu người. So với năm 2020, dân số tăng 922,7 nghìn người, tương đương tăng 0,95%. Tỷ số giới tính của dân số năm 2021 là 99,4 nam/100 nữ. 

Tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh có sự chênh lệch với 113,8 bé trai/ 100 bé gái. Cơ cấu dân số trong tương lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số già và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi.

Mức sinh của Việt Nam 30 năm qua đã giảm gần một nửa: tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,80 con/phụ nữ (năm 1989) xuống còn 2,12 con/phụ nữ (sơ bộ năm 2020). Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2021, chất lượng dân số được cải thiện, mức sinh giảm và duy trì mức sinh thay thế từ năm 2005 trở lại đây. Xu hướng sinh hai con ở Việt Nam vẫn là phổ biến.

Việt Nam đã làm gì để giải quyết vấn đề "già hóa dân số"?

Thời gian qua, nhiều giải pháp được đề ra để duy trì mức sinh thay thế. Tổng cục Dân số đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.

Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con là lý tưởng nhất

Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số. Tại các địa phương có mức sinh thấp, căn cứ vào thực tiễn, địa phương lựa chọn, quyết định khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc khuyến khích sinh đủ 2 con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế. Đồng thời, việc sinh đủ 2 con cũng kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai ở Việt Nam.

https://cafef.vn/viet-nam-lam-gi-de-giai-quyet-van-de-gia-hoa-dan-so-van-de-khung-hoang-cua-trung-quoc-han-quoc-va-nhat-ban-20220125182921513.chn

Hoàng Tùng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên