Việt Nam lần đầu có 6 tỷ phú USD: Người giàu giàu hơn sau COVID-19
Dù Việt Nam vừa trải qua 1 năm bị COVID-19 "bủa vây", nhưng danh sách tỷ phú thế giới của Forbes mới đây xác nhận lần đầu tiên Việt Nam "sáng" lên cùng lúc 6 tỷ phú USD.
- 10-04-2021Sắp thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện tái tạo với khách hàng sử dụng điện
- 10-04-2021Lý do kinh tế phía sau việc giá cả hàng hóa Hà Nội thường cao hơn TP. HCM
- 10-04-20213 tháng đầu năm, Đà Nẵng đã cấp mới 9 dự án FDI hơn 146 triệu USD
Kinh tế vĩ mô vẫn duy trì tăng trưởng nhờ chống dịch tốt, góp phần giúp thị trường chứng khoán trong nước trở thành vùng trũng thu hút dòng tiền đầu tư, chinh phục các đỉnh lịch sử. Tài sản cổ phiếu của các tỷ phú Việt nhờ thế tăng mạnh.
So với tháng 4/2020, cổ phiếu VIC của doanh nghiệp ông Phạm Nhật Vượng và VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện đều tăng hơn 30%.
Hay rõ hơn là sự trở lại ngoạn mục của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát, trong top 3 người giàu nhất, khi cổ phiếu nhà sản xuất thép đã tăng hơn 200%, phần nào nhờ vào nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng từ chính sách thúc đẩy đầu tư công trong nước để tăng sức chống chọi cho nền kinh tế trước dịch bệnh.
Đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách tỷ phú USD của Forbes. (Ảnh: VOV)
"Chỉ mong Việt Nam mình càng nhiều tỷ phú đô la càng tốt. Doanh nghiệp, doanh nhân giàu có thì đất nước mới mạnh được", một tài khoản mạng xã hội nêu ý kiến.
"Nhiều ngành khách sạn, du lịch, hàng không điêu đứng cả năm qua vì đại dịch, nhưng các tỷ phú sở hữu doanh nghiệp liên quan vẫn tăng mạnh tài sản, cũng nhờ thị trường chứng khoán thời gian qua tăng nóng quá", một tài khoản khác cho hay.
"Trong đại dịch thì giới siêu giàu sẽ càng giàu, người nghèo sẽ càng nghèo", một tài khoản khác nói.
Người giàu càng giàu hơn sau COVID-19 là chuyện không chỉ được quan sát thấy tại Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo công bố đầu năm nay của tổ chức từ thiện Oxfam đã gọi COVID-19 là con "virus bất bình đẳng", khi nó kéo dài khoảng cách giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng kinh tế ở hầu hết các quốc gia, điều chưa từng xảy ra trong hơn một thế kỷ qua.
Nhìn rộng ra bảng xếp hạng của Forbes, tài sản của nhóm 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng đến hơn 60% trong năm mà nền kinh tế chịu cơn suy thoái lịch sử. Còn nhóm người lao động thu nhập thấp lại bị bỏ xa hơn.
Dữ liệu của tổ chức Opportunity Insights về tình hình việc làm tại Mỹ cho thấy việc làm cho nhóm có thu nhập thấp nhất, ít hơn 27.000 USD/năm, vẫn thấp hơn 20% so với mức tháng 1/2020. Trong khi nhóm thu nhập trên 60.000 USD/năm đã phục hồi lên trên mức trước dịch.
"COVID-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người. Lượng lao động có phục hồi nhưng đến quý IV/2020 vẫn chưa đạt được trạng thái ban đầu khi chưa có dịch", Tổng Cục Thống kê đánh giá.
"Chứng khoán tăng. Bất động sản tăng. Vàng tăng. Bitcoin tăng. Chỉ mỗi lương là giảm", một tài khoản mạng xã hội bày tỏ.
"Dù sao lúc đại dịch căng thẳng, tôi vẫn thấy được tinh thần tương thân tương ái tại Việt Nam, người nghèo và người giàu xích lại gần nhau. Người giàu có tiền thì mở ATM gạo, mì cho những người khó khăn", một tài khoản mạng xã hội nói.
Một công cuộc chống dịch hiệu quả sẽ có tác dụng bảo vệ những người nghèo, người yếu thế hơn gấp nhiều lần bất kỳ gói cứu trợ nào. Việt Nam trải qua 3 đợt bùng phát dịch, may mắn đến thời điểm này vẫn ổn định được tình hình kinh tế - xã hội, nhờ thế cũng không quá nặng nề khi phải khắc phục hậu quả từ gia tăng chênh lệch giàu nghèo sau đại dịch - vấn đề mà chính phủ nhiều nước phải đau đầu giải quyết.
Theo VTV.vn