Việt Nam lãng phí 3 tỷ USD/năm do không tái chế nhựa: Làm gì để biến rác thành tiền?
Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Việc làm này sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. (Ảnh: Dân trí)
Hàng chục nghìn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày đang bị coi là rác, là thứ bỏ đi, nhưng ít tai biết rằng rác chính là tiền.
- 27-11-2022Nhiều thách thức phát triển điện gió ngoài khơi
- 27-11-2022Thủ tướng Chính phủ ấn nút khánh thành hạng mục quan trọng của tổ hợp hóa dầu hơn 5 tỷ USD
- 27-11-2022Giá ‘nữ hoàng của các loại hạt' tăng chóng mặt, huyện vùng núi tăng diện tích lên 1.000 lần
Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Còn chất thải hữu cơ ước tính lãng phí hơn 30 tỷ USD mỗi năm khi gần 70% không được tái chế.
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã góp phần thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng các nguồn thải.
Tổng lượng rác thải hàng năm đã tăng gấp đôi trong vòng 15 năm qua và dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn vào năm 2030. Rác thải đã đến lúc phải được nhìn nhận dưới góc độ nền kinh tế rác.
Đơn giá hỗ trợ thấp, khó thu hồi vốn, đó là lý do thường được nhắc đến khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ ở Việt Nam, nhưng thực sự có phải là do đơn giá thấp?
Khoảng 35% thành phân vi sinh, 5% thành hạt nhựa, số còn lại được đốt thành tro xỉ và biến thành gạch. Đây là những sản phẩm được tái chế từ rác thải sinh hoạt. Tỷ lệ tái chế từ rác được khoảng 95%, còn lại một phần rất nhỏ 5% được chôn lấp.
Thay vì phải mất một diện tích lớn để chôn lấp rác thải, rác đã được xử lý và trở thành nguyên liệu mới cho sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác.
Rác là thứ bỏ đi, nếu rác phải chôn lấp hay đốt đi, nhưng rác có thể biến thành tiền nếu như được xử lý bằng công nghệ. Rác được xử lý hiệu quả là khi tỷ lệ tái chế ở mức cao nhất nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.
Một doanh nghiệp đang đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ cho biết, với mức giá trần từ 350.000 - 410.000 đồng xử lý 1 tấn rác, theo quy định hiện nay, lợi nhuận mang lại rất đáng để đầu tư. Một mảnh đất rất màu mỡ nhưng không phải muốn là được, tuy nhiên rất khó để thuyết phục một nhà đầu tư thừa nhận điều này.
"Với quan điểm và kinh nghiệm mà chúng tôi đã thực hiện ở nhiều địa phương, chi phí nhà nước trả từ 18 - 20 USD đảm bảo được chi phí khấu hao, chi phí đầu tư xây dựng, chi phí nhân công, chi phí vật liệu sản xuất chung. Còn lợi ích của doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng phân loại, khả năng làm chủ công nghệ và khả năng biến tài nguyên từ rác trở thành thứ có ích và có giá trị kinh tế", doanh nghiệp đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ chia sẻ.
Với công suất xử lý khoảng 300 tấn mỗi ngày, mỗi tháng, nhà máy xử lý rác thải sẽ thu về hơn 1.300 tấn vi sinh, 450 tấn hạt nhựa và số còn lại là gạch. Giá phân khoảng 3 triệu đồng/tấn, giá hạt nhựa khoảng 10 triệu đồng/tấn, chưa kể số gạch được tái sử dụng trong các hoạt động xây dựng khác của doanh nghiệp. Có thể thấy rác đã đem lại một số tiền không nhỏ. Đây mới chỉ là quy mô ở một nhà máy. Ở góc nhìn rộng về kinh tế tuần hoàn, nhiều ý kiến cho rằng rác còn là cơ sở bền vững cho phát triển nông nghiệp hữu cơ trong tương lai.
"Riêng ngành trồng trọt đã tới 175 triệu tấn thừa, chăn nuôi cũng hơn 80 triệu tấn, thủy sản vài triệu tấn, lâm nghiệp... Hàng mấy trăm triệu tấn chất thải đấy mà chúng ta tái chế phụ phẩm chưa nói rác thì chúng ta đã có khoảng 30 tỷ USD. Chúng ta hiểu rằng xuất khẩu nông nghiệp năm 2022 dự kiến nông sản 50 tỷ USD, mà tái chế không, phụ phẩm đã 30 tỷ. Tái chế rác là xu thế của thời đại mà Việt Nam không thể không đi theo, cái đó sẽ làm giảm giá thành, chống ô nhiễm môi trường", GS.VS. Trần Đình Long, nhận định.
Lượng hữu cơ trong rác thải sinh hoạt hiện nay chiếm khoảng 70%. Những giải pháp giải quyết số lượng phụ phẩm nông nghiệp và rác hữu cơ tại các đô thị sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm gánh nặng xử lý rác thải. Đồng thời, việc tận dụng nguồn tài nguyên này, còn góp phần thúc đẩy sản xuất phân bón hữu cơ tại các nhà máy và các hộ gia đình.
Quản lý rác thải đóng vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các mục tiêu kinh tế tuần hoàn, là điều cần thiết cho một nền kinh tế tuần hoàn hợp lý nhằm chuyển đổi nhu cầu của mỗi một quốc gia theo hướng môi trường bền vững và không có chất thải.
Trong khi rác mang lại lợi nhuận kinh tế như vậy, nhưng ở Việt Nam có đến khoảng 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng công nghệ chôn lấp.
Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội dành nguồn kinh phí thu gom, xử lý rác khoảng 1.200 - 1.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 3,5% chi ngân sách. Còn các chuyên gia môi trường nhận định, nếu đem rác đi chôn lấp sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.
Chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản, nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai. Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Tại Khu xử lý chất thải Nam Sơn, TP Hà Nội, mặc dù có nhà máy xử lý nước rác, được các chuyên gia đánh giá đạt quy chuẩn, nhưng cũng không thể giải quyết triệt để những tác động tiêu cực tới môi trường.
Cái giếng đá ong đã 15 năm không sử dụng được vì nước trong giếng quánh đặc một màu đen, gia đình bà Biếc (thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đành đậy kín lại để giữ an toàn cho trẻ em và vật nuôi.
Những ao hồ nằm giữa khu dân cư với bãi chôn lấp rác Nam Sơn, nước cũng đen đặc và bốc mùi hôi thôi suốt mười mấy năm qua. Còn người dân Thôn Lai Sơn cách hồ nước rỉ rác chưa đầy 100 m cũng quá quen với việc nước rác tràn qua đường vào sân nhà.
Từ trên cao nhìn xuống, bãi rác Nam Sơn luôn trong tình trạng quá tải với những núi rác cao hàng chục mét được phủ bạt. Mực nước rác trong hồ sinh học luôn dâng cao ngấp nghé bờ bao, bất cứ lúc nào cũng có thể tràn bờ gây ô nhiễm cho các khu dân cư và đồng ruộng quanh khu xử lý rác…
Với khoảng 10 triệu dân, lượng rác thải sinh hoạt ở Hà Nội mỗi ngày lên tới khoảng 7.000 tấn. được chôn lấp tại 3 khu xử lý rác thải là Nam Sơn, Xuân Sơn và Cầu Diễn. Trong đó bãi rác Nam Sơn lớn nhất, có khả năng tiếp nhận khoảng hơn 4.000 tấn rác/ngày và lượng nước rỉ rác khoảng 3.000 m3/ngày (chưa bao gồm lượng nước rác phát sinh do mưa). Nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất lớn.
Trên 70% khối lượng rác ở Hà Nội được chôn lấp, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đất dành cho các bãi xử lý rác cũng lên tới hàng nghìn ha. Tuy nhiên việc phân loại ngay từ đầu nguồn vẫn chưa thực hiện được, khiến bao năm qua việc xử lý rác của thành phố vừa tốn tiền, tốn quỹ đất, mà vẫn ô nhiễm môi trường.
"Một cái rất là day dứt là qua các buổi đi kiểm tra thực tế hàng ngày trên địa bàn của quận Ba Đình thì bản thân tôi thấy những nguồn rác từ phía các nhà dân, các hộ gia đình thải ra rất nhiều những rác có thể tái chế sử dụng được. Thông thường người dân chỉ nghĩ rác là thứ bỏ đi, tuy nhiên ở đây nếu chúng ta tích cực phân loại rác thì rác là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng được, sẽ giúp giảm kinh phí của thành phố phải chi trả cho ngành môi trường rất nhiều", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, Chi nhánh Ba Đình, cho biết.
"Một ngày Hà Nội đang có khoảng 6.500 tấn rác thải sinh hoạt, cũng như phế thải xây dựng, chúng ta cũng phải có đến 2.500 - 3.000 tấn. Nếu các nguồn phế thải xây dựng ứng dụng bằng công nghệ để tái chế thì sẽ đem lại kinh tế tuần hoàn phục vụ cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạn chế khai thác khoáng sản để giúp Thủ đô phát triển tốt hơn, hiệu quả kinh tế và bền vững. Đem rác chôn lấp thì vấn đề kiểm soát với ô nhiễm và tài nguyên được tái tạo là không tái sử dụng được, như vậy rất lãng phí", ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, cho hay.
Hà Nội đã có những dự án đầu tư công nghệ đốt rác phát điện phục vụ xã hội, cũng như có những chủ trương tái sinh rác là phế liệu xây dựng, chủ trương xây dựng kinh tế xanh, tuần hoàn… nhưng việc triển khai những dự án này còn quá chậm. Còn với quy hoạch 17 khu xử lý rác của Hà Nội tới năm 2030, nếu vẫn giữ mãi phương thức chôn lấp, không sớm thiết lập vòng kinh tế tuần hoàn và áp dụng công nghệ hiện đại, thì cả Thủ đô sẽ bị bao vây bởi rác và nước rỉ rác.
Theo Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, với dân số 93 triệu người, mỗi năm, lượng rác thải ra gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi thành phố mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Đây là một nguồn tài nguyên lớn chưa được khai thác.
Tổng cục Môi trường cho biết Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đây không chỉ là gánh nặng về môi trường, mà còn đưa Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới.
Hiện nay, cả nước có 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện đã đi vào hoạt động ở Cần Thơ và Hà Nội. Riêng Cần Thơ, tỷ lệ xử lý được khoảng 80%, còn lại vẫn phải mang đi chôn lấp. Hà Nội mới triển khai được hơn 4 tháng, đánh giá hiệu quả như thế nào vẫn còn cần thời gian.
Còn rộng hơn, đối với nhiều nước trên thế giới, rác thải được xem là nguồn tài nguyên quý giá, trong khi ở Việt Nam, việc xử lý rác thải bằng công nghệ còn rất hạn chế.
Luật Bảo vệ môi trường quy định rác thải phải phân loại tại nguồn, nhưng phân loại xong sau đó xử lý, sản xuất, tái chế ra sao? Việc quản lý, sử dụng đầu ra của sản phẩm tái chế như thế nào? Đây là những vấn đề đặt ra đối với xử lý rác ở các địa phương. Việc triển khai các biện pháp xử lý rác thải theo phương thức hiện đại thay thế dần biện pháp chôn lấp lạc hậu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên lựa chọn phương pháp nào cho hiệu quả cũng đang là vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý. Chưa kể, đứng ở góc độ nhà đầu tư, dù muốn đầu tư nhà máy nhưng không phải dễ dàng có được rác để để xử lý.
Rác thải chỉ có thể xử lý triệt để khi được phân loại tại nguồn. Việc làm này sẽ góp phần tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động tái chế, giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Theo Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại rác bắt đầu triển khai từ đầu năm nay, hiện nay một số địa phương trên cả nước cũng đang thực hiện phân loại rác tuy nhiên, để thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ rác, ngoài phân loại cần phải áp dụng công nghệ.
"Tôi cho rằng chúng ta phải vừa thực hiện phân loại, vừa thực hiện áp dụng công nghệ, song hành với nhau để cùng phát triển. Không thể phân loại xong thì mới áp dụng công nghệ bởi vì phân loại mà không xử lý thì người dân sẽ không thực hiện và nếu chúng ta đưa công nghệ mà không có nguồn nguyên liệu, không có sự phân loại thì chúng ta cũng không tìm được công nghệ nào phù hợp nhất với từng loại rác thải", anh Ngô Thế Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên môi trường đô thị Hải Phòng, nêu quan điểm.
Hiện có 5 mô hình xử lý rác thải phổ biến ở Việt Nam, bao gồm: đốt rác phát điện; xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh; chôn lấp; điện khí hóa và đốt rác thông thường, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, cũng như chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để áp dụng. Do đó các địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt.
"Cần có một cuộc tổng điều tra, tập hợp lực lượng xem bao nhiêu công nghệ của nước ngoài, bao nhiêu công nghệ của Việt Nam, các doanh nghiệp đã làm như thế nào, tổng kết lại, cái nào ưu việt, cái nào chưa làm được. Ví dụ Nhật làm công nghệ đốt, khí hóa thì phải phân loại rất là tốt, nhưng Việt Nam chưa làm được, mới bắt đầu thì nhà nước nên có một cuộc tổng điều tra tập hợp lại trí tuệ của các viện nghiên cứu, của các công ty, doanh nghiệp đúc rút lại, lúc đó sẽ đưa ra công nghệ thích hợp cho Việt Nam", GS.VS. Trần Đình Long phân tích.
Công nghệ sẽ đi cùng với nhiều vấn đề khác như quy hoạch. Đây cũng là một trong những khó khăn khi triển khai xử lý rác thải bằng công nghệ ở các địa phương.
"Liên quan đến công tác quy hoạch vị trí để xây dựng các nhà máy và khu xử lý chất thải rắn tập trung cũng là một vấn đề khó khăn về quy hoạch địa điểm, quy hoạch chất thải rắn, cũng như đối với đốt rác phát điện thì có quy hoạch phát điện cho các nhà máy này. Thứ hai là vấn đề thủ tục đầu tư liên quan đến việc hợp tác giữa nhà nước và các doanh nghiệp trong việc xử lý rác, hiện nay thực hiện theo cơ chế đầu tư theo hình thức hợp tác công tư hay lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu cũng chưa được rõ ràng", ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết.
Cơ chế, chính sách chưa cụ thể, đây cũng là vấn đề đặt ra, khiến chính quyền địa phương và doanh nghiệp gặp vướng mắc trong đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ. Vì vậy, việc xử lý rác không có đường đi rõ ràng, mà mới chỉ dừng lại ở việc nêu khuyến khích đầu tư, xã hội hóa.
"Ở nhiều nước, câu chuyện rác là hợp tác công tư PPP, tức là phối giữa công và tư. Trong rác có phần của tư và phần của công nên đây là câu chuyện chúng ta phải lưu ý là huy động nguồn lực của nhà nước và tư nhân, nhưng phải rành mạch về cơ chế. Nhà nước công làm gì, tư làm gì... Ví dụ công họ đầu tư cho hạ tầng, tư là họ xử lý, phải đầu tư vốn rồi kết hợp... Rác có những thứ thuộc về chung, ví dụ như rác ngoài đường không thuộc về ai, nhưng rác của hộ gia đình là của tư của doanh nghiệp, của tư, vậy hợp tác công tư là nhiều nước vận dụng, mang lại hiệu quả", PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt. (Ảnh: NLĐ)
Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác hiện nay ở các địa phương hầu hết giao cho doanh nghiệp nhà nước. Về góc độ nhà đầu tư, rác là tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nên ngoài những khó khăn trong cơ chế chính sách, không phải vì đơn giá xử lý rác thấp không có nhà đầu tư, mà vấn đề là nhà đầu tư phải làm cách nào để có được rác. Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương phải tổ chức đấu thầu xử lý rác thải.
"Phải đấu thầu, nó rất tường minh. Đầu bài thầu rất đơn giản, ai có đầy đủ giấy tờ chứng minh công nghệ đã chạy được rác ở Việt Nam đạt đủ tiêu chí về khí thải, nước thải và chất thải rắn cuối cùng, có giá thành, chi phí xử lý rác rẻ nhất thì người thắng thầu", ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định.
"Tạo ra một cơ chế minh bạch trong đầu tư và cái đó phải có một sự tiếp cận tại một điểm là cạnh tranh lành mạnh trong câu chuyện xử lý rác từ phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng thì đấy phải xem lại các địa phương. Tất nhiên hiện nay có những địa phương làm tốt, nhưng có những địa phương không làm được thì nguyên nhân từ đâu mà từ nguyên nhân đó mới tìm ra giải pháp", PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói.
Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Nguồn tài nguyên vô cùng lớn này có tận dụng được triệt để giá trị của rác thải hay không, điều đó phụ thuộc vào việc thúc đẩy chính sách của bộ, ngành liên quan và tăng cường đầu tư của các địa phương.
Mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới tái tạo chất thải, sử dụng chất thải ngành này làm đầu vào nguyên liệu sản xuất của ngành khác sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững.
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
VTV