Việt Nam lựa chọn kịch bản nào để đón làn sóng số?
Làn sóng công nghệ số mang lại tiềm năng chuyển đổi Việt Nam thành một nền kinh tế vượt trội của châu Á, cùng mức sống cao hơn cho người dân.
Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và 2045 do CSIRO (Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chỉ ra 4 kịch bản phát triển cho nền kinh tế Việt Nam đến năm 2045.
Các kịch bản phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2030 và 2045. Nguồn: CSIRO.
Trong kịch bản tối ưu Chuyển đổi số, mức tăng thêm GDP đạt 1,1%/năm (tương đương 168,6 tỷ USD), Việt Nam thực hiện chuyển đổi số cơ bản ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công. Cùng với đó, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT tăng. Song, rủi ro là nguy cơ tấn công mạng trên toàn quốc cao hơn, bất bình đẳng giữa nông thôn – thành thị gia tăng; Phát sinh các vấn đề liên quan tới những việc làm bị thay thế bởi tự động hóa.Theo đó, trong kịch bản xấu nhất Truyền thống, mức độ chuyển đổi số của Việt Nam ở mức thấp và ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) hoạt động nhỏ lẻ, GDP tăng thêm chỉ đạt mức 0,38%/năm (tương đương 60,9 tỷ USD). Rủi ro của kịch bản này là năng suất lao động thấp sẽ dẫn đến mất đi năng lực cạnh tranh về kinh tế, làm gia tăng tỷ lệ nghèo đói trong xã hội.
Hai kịch bản còn lại là xuất khẩu số và tiêu dùng số có tăng trưởng GDP thêm ở mức tương ứng là 0,45% (66,9 tỷ USD) và 0,63% (102,8 tỷ USD). Tuy nhiên, theo bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp CSIRO, cả hai kịch bản xuất khẩu số và tiêu dùng số đều không có lợi cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
“Ở kịch bản Xuất khẩu số, yêu cầu đầu tư có thể thấp hơn so với kịch bản Chuyển đổi số và xuất khẩu trong lĩnh vực CNTT&TT tăng, nhưng năng suất lao động của Việt Nam sẽ thấp và hầu hết các ngành công nghiệp sẽ mất đi năng lực cạnh tranh. Cùng với đó, Việt Nam cũng chưa thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”, bà Cameron phân tích.
Chuyển đổi số có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,1%/năm. Ảnh: KT. |
Trong khi ở kịch bản Tiêu dùng số có thể đạt tăng trưởng và chất lượng dịch vụ được nâng cao… Tuy nhiên, nguồn lực trong nước yếu sẽ khiến hệ thống đảm bảo an ninh mạng kém, không tận dụng hiệu quả tác động của quá trình số hóa trong hầu hết các ngành nghề.
“Cùng với đó, việc phụ thuộc vào sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT từ nước ngoài khiến Việt Nam bị động. Vay mượn quá nhiều để chi trả cho cơ sở hạ tầng và chuyển đổi công nghiệp dẫn đến nợ quốc gia lớn”, bà Cameron cho biết thêm.
Năm 2019, Việt Nam được coi là một thị trường mới nổi hàng đầu thế giới (theo đánh giá của World Bank). Câu chuyện phát triển của Việt Nam đang dần được hé mở. Với khát vọng vươn lên vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035, Việt Nam đang nhắm tới nền kinh tế số làm bàn đạp cho kỷ nguyên tăng trưởng tiếp theo.
GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER
Nhiều chuyên gia đánh giá, để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức như dân số già hóa, biến đổi khí hậu, tốc độ phát triển nhanh, đô thị hóa tác động xấu đến môi trường… Tuy nhiên, thách thức lớn nhất sẽ là việc hoạch định chính sách về phân bổ nguồn lực để đảm bảo nợ thấp và tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” diễn ra ngày 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để Việt Nam đột phá vượt qua trạng thái dừng, thoát bẫy thu nhập trung bình.
Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta.
“Cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho KH&CN, ưu tiên chi cho KH&CN một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.
VOV