Việt Nam ngày càng phải nhập nhiều than, khí
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, từ nay đến 2030, Việt Nam sẽ tăng rất mạnh nhập khẩu than, khí và các loại năng lượng sơ khai để đáp ứng nhu cầu phát triển.
- 08-10-2020Những "đại gia" muốn đổ tiền đầu tư điện khí LNG ở Việt Nam
- 20-09-2020Tỷ trọng điện gió, mặt trời cao đến "phi khoa học", LNG khó "đua" kịp để làm nền cho tái tạo
- 11-11-2019Công ty có vốn đăng ký… 2 USD làm chủ đầu tư dự án điện LNG Bạc Liêu 4 tỷ USD: Mới thành lập được 1 năm, công ty toàn dân tài chính, dấu hỏi lớn về năng lực triển khai
Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương gửi Quốc hội liên quan đến việc phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong các năm tới cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch rất mạnh mẽ từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu ròng năng lượng, kể cả các nguồn năng lượng sơ khai. Đáng chú ý, quy mô nhập khẩu các loại năng lượng than, khí của Việt Nam cũng đang ngày một tăng cùng với việc ngày càng phải chi nhiều tiền đầu tư, mua nhiên liệu để phục vụ cho phát triển của đất nước.
Riêng với lĩnh vực điện, theo tính toán cân đối trong Qui hoạch điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện giai đoạn 2016-2030 lên khoảng 1,4 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu than trong nước khoảng 735 triệu tấn. Nhu cầu than nhập khẩu khoảng 650 triệu tấn. Lượng than nhập khẩu tăng mạnh do việc khai thác than trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt việc phát triển các mỏ mới, nên sản lượng than sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nội (than antraxite). Từ năm 2018, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã phải nhập khẩu than và phối trộn để cấp cho sản xuất điện.
Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5 - 10,2 tỷ m3 khí/năm. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam bộ từ sau năm 2022 sản lượng khí Đông Nam bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỷ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện.Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Tại diễn đàn cấp cao về năng lượng Việt Nam 2020 tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 7/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý về việc, từ nay đến năm 2025, Việt Nam cần phải tăng thêm khoảng 50.000MW công suất điện nguồn. Việt Nam cần nghiêm túc tính đến việc xây dựng chiến lược dài hạn về nhập khẩu điện cũng như giải bài toán quy hoạch quốc gia khi nhập khẩu ròng năng lượng.
Với ngành than, trong các kỳ báo cáo gần đây, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, mục khai thác mỗi năm 50-56 triệu tấn than vẫn đảm bảo nhưng đi kèm với đó là chi phí khai thác ngày càng tăng lên do ngày càng phải đào xuống sâu. Hiện mỗi năm TKV chỉ có thể khai thác tối đa 45 triệu tấn.Số thiếu hụt bắt buộc phải nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu phát triển điện, tiêu dùng và sản xuất.
Ông Trần Xuân Hoà, Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam cho biết, nước ta ngày càng phải đào sâu hơn để khai thác than khiến giá thành than tăng cao và than gần như rất khó cạnh tranh với than nhập khẩu trong các năm tới.Tăng nhập khẩu than và khí trong thời gian tới được cho là một sức ép lớn với nền kinh tế khi tỷ lệ năng lượng nhập khẩu ngày càng tăng.
Theo đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), xu hướng nhập khẩu năng lượng của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong dài hạn và tỷ lệ phụ thuộc nhập khẩu năng lượng của nước ta sẽ khoảng 33 - 37% vào năm 2025 và lên đến 50 - 58% vào năm 2035.
Theo Tiền Phong