Việt Nam nhập khẩu hơn 1000 tấn thịt lợn từ Ba Lan mỗi tháng
Cả nước đã nhập khẩu 19.581 tấn thịt lợn trong 6 tháng đầu năm, tổng trị giá kim ngạch gần 22,23 triệu USD. Trong đó, Ba Lan là thị trường cung cấp lớn nhất với 7.035 tấn, kim ngạch hơn 8 triệu USD.
- 08-09-2018Nguồn cung hồi phục, không lo sốt giá thịt lợn từ nay đến cuối năm
- 03-09-2018Giá thịt lợn có thể tiếp tục tăng nếu dịch tả lợn Châu Phi bùng phát
- 30-08-2018Ngăn chặn đầu cơ thịt lợn, bình ổn thị trường
Trước tình trạng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang gây lo ngại ở trong nước và quốc tế, mới đây, Bộ NN & PTNT đã quyết định tạm dừng nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc từ các tỉnh của Hungary và Ban Lan, nơi đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi, từ 20/9/2018, cho đến khi 2 quốc gia này công bố an toàn ASF theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2018 cả nước nhập khẩu 19.581 tấn thịt lợn, tổng trị giá kim ngạch gần 22,23 triệu USD.
Trong đó, Ba Lan là thị trường cung cấp lớn nhất với 7.035 tấn, kim ngạch hơn 8 triệu USD.
Trong năm 2017, nước ta nhập khẩu 33.115 tấn thịt lớn các loại, tổng trị giá kim ngạch gần 40,2 triệu USD. Đáng chú ý, Ba Lan cũng là nhà nhập khẩu số 1 với với 10.029 tấn.
Tây Ban Nha cũng là thị trường cung cấp thịt lợn lớn của Việt Nam với sản lượng 4.460 tấn trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch gần 4,8 triệu USD. Trong khi năm ngoái, sản lượng nhập từ quốc gia này là 7.728 tấn.
Theo thông báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về tình hình ASF tại Hungary, từ đầu năm 2018 đến nay Hunggary đã xảy ra ASF trên lợn rừng tại 2 tỉnh Heves và Szabolcs-Szatmar-Bereg gây chết 17 con và tiêu hủy 1 con lợn.
Tại Ba Lan, từ đầu năm 2018 đến nay đã xảy ra ASF tại 5 tỉnh (Warminsko-Mazurskie, Podkarpackie, Podlaskie Mazowieckie, Lubelskie) trên 315 con lợn rừng và 162 con lợn nuôi trong tổng đàn 5.440 con.
Tổng cục Hải quan cũng vừa có văn bản chỉ đạo cục hải quan địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm đối với những hàng vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản xuất từ lợn.
Việc thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu như sau: Hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu hải quan địa phương chỉ thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch. Thời gian thực hiện tạm thời kể từ khi nhận được văn bản này đến khi có hướng dẫn mới.
Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.
Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị hải quan địa phương báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn NK bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Tổng cục Hải quan.
Theo thông tin từ một số đơn vị hải quan các địa phương biên giới tiếp giáp với Trung Quốc (Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang), hiện chưa phát hiện các trường hợp lợn nhiễm dịch xâm nhập vào nước ta, tuy nhiên các đơn vị đã tăng cường các biện pháp kiểm soát để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi nhập lậu vào Việt Nam.
Tiền phong