MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sắp có KCN thu hút 2 tỷ USD trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, tạo việc làm cho 18.000 người

Khu công nghiệp (KCN) được kỳ vọng sẽ giúp một tỉnh ở miền Bắc của Việt Nam trở thành trung tâm trong một lĩnh vực tiềm năng của cả nước, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là KCN Dược – Sinh học Thái Bình, đồng thời sẽ là KCN dược – sinh học quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ đầu tiên ở Việt Nam.

Mới đây, UBND tỉnh Thái Bình có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ, ngành liên quan để tiến hành xin ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng (với tỷ lệ 1/2.000) của KCN Dược – Sinh học ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Cụ thể, KCN Dược – Sinh học Thái Bình được quy hoạch trên địa giới hành chính của các xã, bao gồm Quỳnh Trang, Quỳnh Xá, An Vinh và Đông Hải của huyện Quỳnh Phụ.

Huyện Quỳnh Phụ nằm tại hai ngã ba ranh giới giữa tỉnh Thái Bình với hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và với tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng. Với những lợi thế về giao thông thuận lợi sẽ giúp huyện Quỳnh Phụ đẩy mạnh phát triển về công nghiệp trong tương lai.

Dự án này có ranh giới giáp đường Tỉnh lộ 468 và kênh Quỳnh Xá ở phía Bắc; giáp Tỉnh lộ 396D, khu dân cư hiện trạng xã Đông Hải nằm ở phía Nam; giáp với Quốc lộ 10 ở phía Đông; đồng thời giáp Tỉnh lộ 396DB, khu dân cư hiện trạng xã Quỳnh Xá tại phía Tây.

Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích tổng thể là 334,19 ha. Trong đó, diện tích lập quy hoạch KCN là 292,48 ha, bao gồm khu nhà máy, kho tàng là 183 ha; khu điều hành và công cộng là 24,18 ha; đất cây xanh là 33,97 ha; công trình hạ tầng kỹ thuật khác là 3,64 ha…

KCN Dược – Sinh học Thái Bình dự kiến thu hút đầu tư lên tới 2 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn từ 2024 – 2027, KCN này sẽ thu hút 800 triệu USD và giai đoạn 2028 – 2030 dẽ thu hút 1,2 tỷ USD. Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động, KCN Dược – Sinh học Thái Bình sẽ tạo việc là trực tiếp cho khoảng 18.000 lao động.

Việt Nam sắp có KCN thu hút 2 tỷ USD trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, tạo việc làm cho 18.000 người- Ảnh 1.

Phối cảnh dự án KCN Dược - Sinh học Thái Bình. Ảnh: Chủ đầu tư

Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư cho hạ tầng của dự án KCN Dược – Sinh học Thái Bình dự kiến khoảng 3.800 tỷ đồng và khi đi vào hoạt động sẽ thu hút từ 80 – 90 doanh nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu ở cả trong nước và xuất khẩu.

KCN nhiều tỷ USD này bao gồm các viện nghiên cứu và phát triển, khu công nghệ sinh học, kho ngoại quan và kho đạt chuẩn GSP ngành dược, trung tâm logistics, khu thương mại và giới thiệu sản phẩm y – dược, khu giáo dục – đào tạo và ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành Dược – Sinh học và khu nhà ở cho các chuyên gia, kỹ thuật viên.

Dược – Sinh học đang là lĩnh vực tiềm năng và được nhiều quốc gia trên thế giới theo đuổi, đầu tư. Do đó, dự án KCN Dược – Sinh học Thái Bình hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho ngành y tế, nền kinh tế và người dân Việt Nam.

Theo UBND tỉnh Thái Bình, KCN Dược – Sinh học là dự án KCN chuyên ngành, chuyên sản xuất và cung ứng về dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc ngành dược – Sinh học tập trung. Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bô và dịch vụ hoàn chỉnh với công nghệ cao, bảo vệ môi trường, dự án này được kỳ vọng là sẽ góp phần cho sự phát triển chung của nền y tế Việt Nam.

Hai "ông lớn" đầu tư vào KCN nhiều tỷ USD là ai?

Việt Nam sắp có KCN thu hút 2 tỷ USD trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, tạo việc làm cho 18.000 người- Ảnh 2.

UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư ký kết ghi nhớ xây dựng hạ tầng KCN Dược - Sinh học Thái Bình. Ảnh: MT

Liên danh đầu tư dự án KCN Dược – Sinh học Thái Bình là Quỹ đầu tư Makara Capital Partners, Sakae Corporate Advisory (Singapore) và CTCP Newtechco Group. Trong đó, CTCP Newtechco Group cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có trong liên danh này.

Newtechco là doanh nghiệp chuyên về đầu tư tài chính, bất động sản và tái cấu trúc và đã mở rộng đầu tư vào ngành dược - sinh học tại Việt Nam. Được biết, trong hành trình 10 năm hình thành và phát triển, Newtechco luôn chú trọng đầu tư vào ngành dược – sinh học, hợp tác đầu tư vào các doanh nghiệp trong ngành dược Việt Nam và đồng thời trở thành chiếc cầu nối cho hơn 35 doanh nghiệp dược trên thế giới tới Việt Nam.

Kể từ năm 2017, CTCP Newtechco Group đã bắt đầu đầu tư vào KCN Dược - Sinh học từ năm 2017 và hiện đang tiến hành hợp tác với các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn để triển khai dự án. Theo đại diện của Newtechco, tính đến tháng 8/2024, đã có hơn 20 doanh nghiệp dược phẩm của Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Đức, Ấn Độ… muốn đầu tư vào nhà máy sản xuất tại KCN dược tập trung ở Thái Bình.

Trao đổi trước truyền thông, theo bà Võ Thị Tuấn Anh, Chủ tịch của Newtechco, KCN Dược – Sinh học Thái Bình sẽ là một KCN dược – sinh học quy mô lớn, hiện đại và đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, các thủ tục để thực hiện dự án này đang được triển khai khẩn trương và đảm bảo tuân thủ các quy định. Theo dự kiến, năm 2025, dự án có thể khởi công và xúc tiến đầu tư.

Việt Nam sắp có KCN thu hút 2 tỷ USD trong lĩnh vực cả thế giới theo đuổi, tạo việc làm cho 18.000 người- Ảnh 3.

Mô hình KCN Dược – Sinh học Thái Bình được trưng bày tại một tọa đàm về ngành công nghiệp Dược. Ảnh: TH

Theo các chuyên gia, dự án KCN Dược – Sinh học Thái Bình không chỉ thu hút các hãng dược phẩm và thiết bị y tế nước ngoài về Việt Nam sản xuất mà đây còn là cơ hội để tiến hành chuyển giao công nghệ và nghiên cứu phát minh những sản phẩm sinh – dược phẩm, từ đó hướng tới xuất khẩu với giá trị cao. 

Ngoài ra, người dân Việt Nam sẽ được hưởng những thành quả của khoa học – công nghệ, cũng như tiếp cận dịch vụ y tế tốt với chi phí phù hợp hơn. Đặc biệt, sự ra đời của KCN Dược – Sinh học Thái Bình còn là lời giải cho một bài toán khó về các thách thức của ngành Dược nước ta trên con đường phát triển và hội nhập toàn cầu.

Theo lộ trình, từ Quý IV/2024 đến năm 2027, dự án thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo phân kỳ các giai đoạn cụ thể và khởi công xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến, đến năm 2030, KCN Dược – Sinh học Thái Bình sẽ được lấp đầy.

Theo TS Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng cục Quản lý dược, Bộ Y tế, ngành y tế xem phát triển dược là công nghiệp mũi nhọn và hướng tới nghiên cứu – sản xuất các thuốc phát minh, trở thành trung tâm sản xuất, gia công, chuyển giao công nghệ dược phẩm công nghệ cao ở khu vực ASEAN và đạt được mức độ 4 theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các địa phương và ngành chức năng tổ chức thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng các khu công nghiệp dược tập trung theo Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có một khu công nghiệp ở miền Bắc và một ở miền Nam hoặc miền Trung.


Theo Minh Hằng

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên