Việt Nam sắp có "siêu dự án thành phố thông minh" vài chục tỷ USD nhưng một thành phố thông minh có thể có những gì?
Năng lượng thông minh, sự di chuyển thông minh, cộng đồng thông minh… là những dự án cần có của một thành phố thông minh, theo công bố của tập đoàn AMATA.
Thông tin này được bà Somhatai Panichewa, TGĐ điều hành Công ty AMATA Việt Nam đưa ra tại toạ đàm: "Thành phố thông minh và tầm nhìn tương lai", diễn ra chiều nay 8/3.
Có thể xem thành phố thông minh là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị. Đây là mục tiêu được nhiều nước đặt ra, trong bối cảnh của làn sóng công nghệ 4.0. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Từ đầu năm, phía Bắc Thủ đô Hà Nội đã "nóng" lên với thông tin Nhật Bản sẽ đầu tư xây thành phố thông minh, giá trị có thể lên đến 37,3 tỷ USD. Điều này mang lại những kỳ vọng rất lớn cho Việt Nam.
Tập đoàn AMATA cũng đang có kế hoạch áp dụng cách tiếp cận xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam.
Đại diện cho tập đoàn, bà Somhatai Panichewa cho biết thành phố thông minh bao gồm 10 dự án thông minh, gồm: năng lượng thông minh, sự di chuyển thông minh, cộng đồng thông minh, môi trường thông minh, giáo dục thông minh, sản xuất chế tạo thông minh, thành phố không gian vũ trụ thông minh, sáng tạo thông minh, kinh tế thông minh, quản trị thông minh.
Sự phát triển các thành phố thông minh theo bà Somhatai Panichewa sẽ được làm theo kế hoạch 5 năm thông qua việc thiết lập các liên doanh mới giữa các đối tác Thái Lan và quốc tế, bao gồm cả việc hợp tác với các cơ quan chính phủ khác nhằm phát triển mô hình thành phố thông minh như thành phố Yokohama của Nhật, Incheon của Hàn Quốc hay Saab AB của Thuỵ Điển.
Hiện AMATA đang có 2 dự án chính đặt tại Đồng Nai gồm AMATA City Biên Hoà - nơi lưu trú của 164 nhà đầu tư đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, vốn đầu tư hơn 2,66 tỷ đồng và khu công nghiệp nằm ở Long Thành.
AMATA cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại miền Bắc với địa điểm lựa chọn là thành phố Hạ Long, tỉnh Quang Ninh. Dự án đang trong quá trình xin chủ trương từ Chính phủ để phát triển giai đoạn đầu tiên.
Bà Somhatai Panichewa bên cạnh những chia sẻ về cơ hội đầu tư thành phố thông minh tại Việt Nam cũng dẫn ra câu chuyện xây dựng thành phố thông minh tại Thái Lan.
Bà cho biết dù là một đất nước với diện tích lớn nhưng khi xây dựng thành phố thông minh, Thái Lan đã chỉ chọn bắt đầu tư một khu vực nhỏ. Đó là dự án Chính sách Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), nằm giữa ba tỉnh Chonburi, Rayong, và Chachoengsao trên diện tích 13,285 km2.
Lý giải nguyên nhân lựa chọn khu vực này, bà Somhatai Panichewa cho biết đây là căn cứ sản xuất dầu, năng lượng của đất nước. Ba tỉnh này cũng chiếm đến 20% GDP của Thái Lan với hệ thống hạ tầng đều sẵn sàng được nâng cấp.
Bà nhấn mạnh phải thực hiện nâng cấp hạ tầng chứ không nên bắt đầu xây dựng thành phố thông minh từ số 0. Bên cạnh đó, khu vực này đã được các nhà đầu tư thế giới quen thuộc.
Thái Lan đã có kế hoạch rõ ràng với việc phát triển thành phố thông minh ở EEC, theo đại diện AMATA. Theo đó, họ đã có kế hoạch phát triển 20 năm, thực hiện nhiều dự án trọng yếu. Ví dụ như xây cảng hàng hàng không, cảng biển, hình thành các khu công nghiệp, bệnh viện…
Mặt khác, Thái Lan cũng có những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư rót vốn vào thành phố thông minh. Ví dụ, ưu đãi thuế Thu nhập cá nhân, Thu nhập doanh nghiệp ở EEC là 17% cho mỗi đối tượng, áp dụng chỉ cho người nước ngoài. Hay thời gian thuê đất kéo dài lên đến 99 năm thay vì tối đa 30 năm như trước đó, các công ty nước ngoài cũng được sử dụng ngoại tệ tại EEC không cần đổi ra tiền Bath…
"Đây là chính sách then chốt người Thái dùng, áp dụng xây dựng thành phố thông minh", bà nói và cho rằng Việt Nam cũng có thể có những ưu đãi nhằm giúp phát triển những thành phố này.