Việt Nam sắp có siêu nhà máy 4,6 tỷ USD, ước tính mang về hơn 7 tỷ KWh điện mỗi năm, tiềm năng cực lớn
Dự án siêu nhà máy tại Việt Nam trị giá 4,6 tỷ USD do một tập đoàn hàng đầu thế giới của Đức đầu tư.
Đây là dự án nhà máy điện gió ngoài khơi tại Bình Định. Trao đổi một số vấn đề có liên quan tới dự án 4,6 tỷ USD là nội dung chính trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định với đoàn công tác của Tập đoàn PNE, doanh nghiệp hàng đầu của Đức.
Theo đó, vào ngày 22/10 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp và làm việc với ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE, để thảo luận về dự án điện gió ngoài khởi, với tổng vốn đầu tư lên tới 4,6 tỷ USD.
Tại buổi tiếp, theo ông Per Hornung Pedersen, PNE hiện đã phát triển điện gió ngoài khơi tại 14 quốc gia ở 4 châu lục. Trong đó, tại khu vực châu Á, Tập đoàn PNE lựa chọn Bình Định (Việt Nam) là địa phương đầu tiên sẽ phát triển dự án điện gió ngoài khơi, được đặt tên là Hòn Trâu. Đây được coi là dự án trọng điểm của tập đoàn và cũng là dự án trọng điểm và ưu tiên của tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo PNE cho biết, tập đoàn đã tiến hành tìm hiểu và nghiên cứu phát triển dự án này kể từ năm 2019 đến nay, đồng thời đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết nhằm triển khai dự án một cách nhanh nhất, khi được cấp chủ trương đầu tư.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE, khẳng định rằng tập đoàn đang rất mong đợi cũng như kỳ vọng những tiến triển về cơ chế chính sách từ Chính phủ Việt Nam có liên quan tới việc cấp phép chủ trương đầu tư và cấp phép xác định về vùng địa điểm triển khai dự án ở Bình Định. Việc này nhằm tránh chồng lấn với những dự án khác để Tập đoàn PNE tính toán về các phương án bố trí vốn triển khai.
Tập đoàn PNE mong muốn dự án này sớm được chấp thuận về chủ trương dầu tư để trở thành một trong những dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam , đồng thời được lựa chọn là dự án thí điểm trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam.
Đáp lại, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, tỉnh rất quyết tâm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi này. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu các công nghệ, dự án mà Tập đoàn PNE đang thực hiện ở Đức.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định nhấn mạnh rằng, hai bên tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án; đồng thời tiếp tục làm việc, thảo luận, đánh giá hết tiềm năng, tính khả thi của dự án, cũng như thống nhất các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để triển khai dự án trong thời gian tới. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh tin tưởng, Tập đoàn PNE sẽ triển khai thành công dự án và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cùng đoàn công tác của tỉnh đã đưa lãnh đạo của Tập đoàn PNE đi khảo sát thực địa một số địa điểm dự kiến để nghiên cứu triển khai dự án điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định mong muốn ông Per Hornung Pedersen cùng Tập đoàn PNE tiếp tục quan tâm và giới thiệu các nhà đầu tư Đức đến đầu tư tại tỉnh.
Dự án dự kiến đóng góp khoảng 1.600 tỷ đồng/năm cho Bình Định
Trước đó, Tập đoàn PNE của Đức đã đăng ký nghiên cứu và khảo sát đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi ở tỉnh Bình Định, với quy mô công suất 2.000 MW. Dự án được chia thành 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ US. Trong đó, mỗi giai đoạn của dự án này đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD.
Theo dự kiến, sau khi hoàn thành và được đưa vào vận hành, dự án này sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho việc phát triển kinh tế địa phương và khu vực. Đặc biệt, dự án dự kiến đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Bình Định ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương cho Bình Định, cũng như hiện thực hóa được chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt…
Bình Định là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Đặc biệt, với bờ biển dài 134km, tỉnh Bình Định có điều kiện rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo các chuyên gia quốc tế đánh giá, với chiều dài bờ biển lên tới hơn 3.400 km, Việt Nam có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 tại châu Á và thứ 13 trên thế giới. Tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, với ước tính lên tới 600.000 MW.
Thế nhưng, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, hiện nay, sau hơn 1 năm ban hành Quy hoạch điện VIII, vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được quyết định về chủ trương và giao chủ đầu tư.
PNE được thành lập năm 1995 tại Đức và là một trong những nhà phát triển dự án năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới. Tập đoàn đã triển khai các trang trại gió và hệ thống quang điện với công suất hơn 6,6 GW. Tập đoàn PNE hiện đang hoạt động tại châu Âu, Nam Phi, Bắc Mỹ và Châu Á. Tập đoàn hiện có hơn 600 nhân viên trên toàn cầu.
Nhịp sống thị trường