MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, dải đô thị dọc 2 hành lang kinh tế quốc gia

19-09-2024 - 06:52 AM | Bất động sản

Sẽ chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu lựa chọn các đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ... có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Ưu tiên phát triển các đô thị gắn với các hành lang kinh tế thành các đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng, thúc đẩy lan tỏa phát triển.

Phát triển Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác trực thuộc Trung ương trở thành các đô thị năng động , sáng tạo, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, dải đô thị dọc 2 hành lang kinh tế quốc gia- Ảnh 1.

TP HCM và Hà Nội là đô thị loại đặc biệt trong hệ thống đô thị Việt Nam.

Quy hoạch đô thị lớn gắn với giao thông công cộng (TOD), chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển các đô thị vệ tinh giảm tải cho đô thị trung tâm.

Về định hướng tổ chức không gian hệ thống đô thị, phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới, phân bố hợp lý tại các vùng kinh tế - xã hội, vùng đô thị lớn gắn với các cực tăng trưởng của đất nước trong mối liên kết tầng bậc, cấp, loại đô thị; tạo thành hình thái không gian kết nối chuỗi, dải và chùm đô thị, được phân bố hợp lý theo các vùng miền.

Mạng lưới đô thị quốc gia gồm: Các vùng đô thị, các đô thị trung tâm các cấp, bao gồm: Đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh, huyện và cụm xã nông thôn.

Mạng lưới đô thị quốc gia tạo nên hình thái không gian kết nối theo chuỗi, dải và chùm đô thị tại các vùng kinh tế - xã hội, dọc theo hai hành lang kinh tế quốc gia gắn với chiến lược biển và đường Hồ Chí Minh, hành lang vành đai biên giới (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia) gắn với kinh tế cửa khẩu, an ninh quốc phòng và các trục hành lang Đông - Tây.

Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, dải đô thị dọc 2 hành lang kinh tế quốc gia- Ảnh 2.

Việt Nam hình các vùng đô thị Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Các vùng đô thị gồm 4 vùng gồm Vùng đô thị Hà Nội, Vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Vùng đô thị Đà Nẵng, Vùng đô thị Cần Thơ.

Hệ thống đô thị trung tâm quốc gia (đô thị loại đặc biệt và loại 1) gồm các thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại đặc biệt, loại 1. Với hệ thống đô thị trung tâm cấp vùng, có đô thị loại 1, 2, 3 là các thành phố đô thị trung tâm các vùng.

Sẽ có ít nhất 5 đô thị Việt Nam đạt tầm cỡ quốc tế

Cũng theo quy hoạch trên, đến 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh;

Có vai trò, vị thế xứng đáng trong mạng lưới đô thị châu Á - Thái Bình Dương, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế.

Việt Nam sẽ có 5 đô thị tầm cỡ quốc tế, dải đô thị dọc 2 hành lang kinh tế quốc gia- Ảnh 3.

Việt Nam phấn đấu có ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế.

Đồng thời, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế , giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị. Trong đó, có 2 đô thị đặc biệt, 22 đô thị loại 1, 36 đô thị loại 2, 45 đô thị loại 3, 94 đô thị loại 4 và 703 đô thị loại 5; với tỷ lệ đô thị hóa cả nước khoảng 42,7%.

Theo Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hệ thống đô thị trên cả nước phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Đô thị thực sự trở thành hạt nhân tăng trưởng, động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong mỗi địa phương, mỗi vùng miền và cả nước.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên