Việt Nam sẽ có quận đảo đầu tiên đẹp top thế giới, nơi sở hữu cầu vượt biển 11.850 tỷ đồng, dài kỷ lục
Địa phương có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam được quy hoạch trở thành quận đảo sau năm 2030.
- 11-06-2024Phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án cầu Rạch Miễu 2 trong tháng 6
- 06-05-2024Gần 800 tỷ đồng thực hiện dự án cầu đường sắt Cẩm Lý ở Bắc Giang
- 04-03-2024TPHCM: Chốt thời gian khởi công dự án cầu - đường Nguyễn Khoái hơn 3.700 tỷ đồng
Phát triển Cát Hải trở thành quận đảo đầu tiên ở Việt Nam
Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ điều chỉnh nhiều khu vực địa giới hành chính như: mở rộng Quận Hồng Bàng, thành lập Quận An Dương và Thành phố Thủy Nguyên.
Đáng chú ý, lộ trình đến năm 2030, Hải Phòng sẽ tăng thêm 2 quận là Kiến Thụy và An Dương, cả thành phố sẽ có 9 quận. Sau năm 2030, huyện Cát Hải cũng sẽ lên quận, trở thành quận đảo đầu tiên của cả nước.
Cát Hải là một huyện đảo của thành phố Hải Phòng, nằm ở phía Đông Bắc của thành phố hoa phượng đỏ, phía Bắc giáp huyện Yên Hưng (Quảng Ninh), phía Tây giáp đảo Đình Vũ, phía Đông và Nam là vịnh Bắc Bộ. Tổng diện tích của huyện đảo là 345 Km2 (kể cả rừng ngập mặn).
Nơi đây bao gồm 366 hòn đảo lớn nhỏ nằm trong hệ thống quần đảo nam vịnh Hạ Long, trong đó, đảo Cát Hải và đảo Cát Bà là lớn hơn cả, được chia thành 2 thị trấn và 10 xã; dân số 3 vạn người.
Huyện đảo này là huyện có vị trí chiến lược quan trọng ở thành phố vùng Đông Bắc Tổ quốc; có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch, kinh tế biển. Cát Hải đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư cũng như du khách trong và ngoài nước.
TP Hải Phòng xác định đảo này sẽ là một trong ba cực tăng trưởng phát triển tương lai, vì thế, huyện luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, thành phố, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong việc huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư.
Huyện Cát Hải hiện đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội theo hướng khai thác tối đa tiềm năng sinh thái rừng - biển - đảo, từng bước hình thành các ngành kinh tế chủ đạo là: Cảng biển - Logistic, Công nghiệp - Công nghệ cao và Du lịch - Dịch vụ.
Trong đó, Du lịch - Dịch vụ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng góp phần phát triển kính tế - xã hội địa phương. Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, lượt khách du lịch của huyện đảo Cát Hải ước đạt 1.627.970 lượt khách, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 1.499,7 tỷ đồng.
Cát Hải sở hữu cầu vượt biển độc đáo dài nhất Việt Nam
Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện hay còn gọi là đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng) là cầu vượt biển nối đất liền với huyện đảo Cát Hải, được thông xe vào ngày 4/9/2017.
Dự án có tổng mức đầu tư là gần 11.850 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Với tổng chiều dài 15,63 km trong đó phần vượt biển dài 5,44km, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã trở thành cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam và một trong những cây cầu vượt biển dài hàng đầu của Đông Nam Á.
Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đi vào hoạt động, việc đi lại bằng ô tô giữa đất liền từ trung tâm TP Hải Phòng sang đảo Cát Hải chỉ mất khoảng 5 phút thay vì hàng tiếng đồng hồ khi đi bằng phà, giảm tai nạn, rủi ro, tránh tắc nghẽn giao thông; thúc đẩy các hoạt động du lịch trên đảo Cát Bà và các khu vực lân cận.
Cây cầu kết nối trực tiếp với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, QL5, QL18, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long và cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Từ đó, cây cầu góp phần tạo thành mạng giao thông hoàn chỉnh, phục vụ việc vận tải hàng hóa ra cảng của khu vực tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Đối với thành phố Hải Phòng, cây cầu này có vai trò kết nối và phát triển kinh tế ven biển của thành phố, góp phần làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cho những dự án nằm trong chương trình phát triển khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Nổi bật là các dự án trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn huyện Cát Hải như cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, các dự án của tập đoàn Vingroup, Sungroup.
Di sản thiên nhiên thế giới ở Cát Hải
Trung tâm của huyện đảo Cát Hải là đảo Cát Bà, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023 cùng với quần thể Vịnh Hạ Long.
Đảo Cát Bà có diện tích 153 km², là đảo lớn thứ 3 ở Việt Nam sau Phú Quốc và Cái Bầu, có đỉnh núi cao nhất lên đến 331m. Đây là khu vực địa hình có cảnh quan độc đáo tương tự vịnh Hạ Lon, các hòn đảo là các chóp hoặc tháp kart đơn lẻ hoặc thành cụm, vách bờ dốc đứng nổi trên mặt nước biển trong xanh.
Quần đảo Cát Bà có rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rặng san hô, thảm rong - cỏ biển, hệ thống hang động, hồ nước, là nơi hội tụ đầy đủ các giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm các yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định của UNESCO. Ngày 2/12/2004, nơi đây chính thức đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Một trong những địa danh nổi tiếng và thu hút du khách nước ngoài và trong nước đến với đảo Cát Bà chính là vịnh Lan Hạ. Đây là vịnh thuộc top vịnh đẹp nhất thế giới, nằm ở phía đông đảo Cát Bà và là cầu nối liền kề giữa đảo Cát Bà và vịnh Hạ Long.
Vịnh Lan Hạ được xem là điểm đến kỳ vĩ nhưng cũng mang nét đẹp thơ mộng khó có nơi nào sánh bằng. Sở hữu cảnh quan thiên nhiên trù phú, khung cảnh đậm nét hoang sơ, đến đây du khách sẽ có cơ hội khám phá “hòn ngọc ẩn mình” tuyệt đẹp, không gian bình yên tạo nên kỳ nghỉ hoàn hảo.
Đời sống & pháp luật