MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia nào trong cuộc đua đón dòng vốn đầu tư và tăng cường xuất khẩu nhờ chiến tranh thương mại?

Rõ ràng, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất có lao động giá rẻ và các ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Không chỉ riêng Việt Nam mà khu vực Đông Nam Á nói chung cũng đã được các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định là sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.

Triển vọng kinh tế của Thái Lan giữa căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là rất sáng sủa. Tờ South China Morning Post cho nhận định, Thái Lan có thể hưởng lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc mà làm phức tạp mối quan hệ song phương vì không có biên giới chung với Trung Quốc.

Tuyến đường sắt cao tốc nối Bangkok, Viêng Chăn và Côn Minh sẽ hoàn thành vào năm 2021. Thái Lan duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ. Các công ty Nhật Bản cũng cho biết họ cảm thấy thoải mái nhất ở Thái Lan. Vị trí chiến lược của Thái Lan khiến nó trở thành một trung tâm tự nhiên ở Đông Nam Á.

Indonesia đã có những bước tiến lớn trong bốn năm trở lại đây. Hàng trăm dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai trên quần đảo rộng lớn này. Jakarta đã trở thành một công trường xây dựng khổng lồ. Với kết nối giao thông vận tải tốt hơn, chi phí hậu cần vốn khá cao sẽ sớm giảm xuống.

Indonesia có lợi thế cạnh tranh trong các ngành công nghiệp dựa trên tài nguyên với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bắt đầu từ tháng tới, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - sẽ khấu trừ thuế lên tới 200% cho cả các công ty trong và ngoài nước hoạt động nghiên cứu và phát triển ở nước này. 

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia nào trong cuộc đua đón dòng vốn đầu tư và tăng cường xuất khẩu nhờ chiến tranh thương mại? - Ảnh 1.

"Cứ mỗi 100 triệu USD đầu tư vào R&D, các công ty sẽ nhận được khoản trợ cấp thuế 200 triệu USD", Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Airlangga Hartarto trả lời Nikkei Asian Review. Ông Airlangga cũng cho rằng, những ưu đãi này sẽ giúp Indonesia cạnh tranh với Việt Nam trong việc đón dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Philippines là quốc gia thường xuyên phải đối diện với thiên tai, tài nguyên lớn nhất của họ chính là con người. Nhưng khi cơ sở hạ tầng cải thiện qua từng năm, một phần nhờ sự giúp đỡ của Trung Quốc, Philippines đang trở nên hấp dẫn hơn đối với các khoản đầu tư sản xuất cho hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là các công ty Mỹ vì lao động Philippines có khả năng sử dụng tiếng Anh rất tốt.

Malaysia là một quốc gia có nguồn lực tốt: cơ sở hạ tầng tốt và dân số tương đối được giáo dục tốt. Một bài nghiên cứu có tiêu đề "Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Thương mại và đầu tư tiềm năng tràn vào Malaysia" của Tham Siew Yean (Viện ISEAS-Yusof Ishak Singapore) cho biết: thuế quan áp lên Trung Quốc làm tăng khả năng chuyển hướng thương mại và đầu tư sang Malaysia, thúc đẩy tăng tới 1,8% (GDP).

Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những quốc gia nào trong cuộc đua đón dòng vốn đầu tư và tăng cường xuất khẩu nhờ chiến tranh thương mại? - Ảnh 2.

Đi xa hơn đến khu vực Nam Á, Ấn Độ - với quy mô dân số đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc - cũng đang được chú ý. Hiển nhiên, với việc thực hiện khẩu hiệu của Make in India, bằng cách cung cấp một giải pháp tổng thể, bao gồm cả lao động lành nghề cũng như chính sách về đất đai, hậu cần và cơ sở hạ tầng, ổn định tiền tệ, thì Ấn Độ sẽ có khả năng đón được làn sóng đầu tư lớn.

Quy mô và tiềm năng thị trường của Ấn Độ khiến nơi đây trở thành một trong số những điểm đến tiềm năng của các quốc gia muốn di dời. Nhưng chỉ số tái định cư sản xuất Nomura của Ấn Độ chỉ ở vị trí thứ tư (sau Việt Nam, Malaysia và Singapore).

Chuyên gia kinh thế ADB - ông Yasuyuki Sawada cho rằng Bangladesh cũng có thể vươn lên trong cuộc chiến này, ông tính toán rằng mức tăng xuất khẩu của Bangladesh có thể là 0,19% GDP hoặc 0,4 tỷ USD do xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm vì thuế quan của Mỹ. Đối với quốc gia này, các lĩnh vực mục tiêu có thể là hàng may mặc, da giày, công nghệ thông tin và các dịch vụ khác.

Rõ ràng, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất có lao động chi phí thấp và các ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng lao động, nhanh chóng cải thiện giao thông hạ tầng và thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ là những nhiệm vụ tối quan trọng trong thời gian sắp tới để có thể đón đầu hưởng lợi dòng dầu tư và xuất khẩu mới.

Hoàng An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên