MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam siết chặt an toàn bay

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn khẳng định công tác bảo đảm an toàn bay được nhà chức tránh thực hiện thường xuyên, liên tục.

Ngày 30-12, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Hồ Minh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, khẳng định trong năm qua, công tác bảo đảm an toàn hàng không được nhà chức tránh hàng không thực hiện thường xuyên, liên tục.

Năm 2024, công tác an toàn bay được thực hiện tốt. Trong năm qua không có tai nạn hàng không xảy ra tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam, còn các sự cố hàng không uy hiếp an toàn mức B (sự cố nghiêm trọng), mức C (sự cố uy hiếp an toàn cao), mức D (sự cố nguy cơ uy hiếp an toàn), mức E (vụ việc) đều giảm.

Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đã có cuộc thanh sát vào tháng 5-2024 và đánh giá năng lực đảm bảo an toàn hàng không của Việt Nam cao hơn mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và mức trung bình của thế giới. Trong đó, chỉ số bảo đảm an toàn của lĩnh vực khai thác sân bay của Việt Nam cao hơn 23,12% so với mức trung bình của các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn 23,85% so với mức trung bình của các quốc gia trên thế giới.

Hàng không sắp bước vào cao điểm Tết với tần suất khai thác tăng cao, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Cục Hàng không Việt Nam đã điều chỉnh số lượng chuyến cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất lên 48 chuyến/giờ với ban ngày và 46 chuyến/giờ vào ban đêm. Dự kiến số chuyến bay sẽ tăng mạnh trong dịp cao điểm Tết từ 15 tháng Chạp trở đi với 800 chuyến/ngày, lượng khách rơi vào 130.000 người/ngày. Đây là tham số cao, trung bình hơn một phút sẽ có một chuyến bay.

Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn cho biết mỗi cuối năm, Cục Hàng không Việt Nam đều tăng cường kiểm soát an toàn, an ninh hàng không để bảo đảm phục vụ cao điểm Tết.

Cục trưởng đã ra quyết định áp dụng biện pháp tăng cường cấp độ 1 tại các sân bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trên toàn quốc trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán 2025. Theo đó, thời gian áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 từ ngày 26-1-2025 đến hết ngày 2-2-2025 (tức ngày 25 tháng chạp đến hết ngày mùng 5 Tết âm lịch 2025).

Từ ngày 28-1-2025 đến hết ngày 29-1-2025 (tức từ ngày 29 tháng chạp đến hết ngày mùng 1 Tết âm lịch) áp dụng các biện pháp tăng cường an ninh hàng không như cấp độ 1, nhưng các đơn vị có lực lượng kiểm soát an ninh hàng không không cần tăng cường 20% quân số trực. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu các đơn vị áp dụng cụ thể một số biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh hàng không từ ngày 19-12-2024 đến hết ngày 2-1-2025.

Đồng thời Cục Hàng không cũng thành lập các đoàn công tác kiểm tra đảm bảo an toàn khai thác máy bay tại sân bay dịp cao điểm phục vụ Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ năm 2025 đối với các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng hoạt động tại các sân bay của Việt Nam.

Các đoàn sẽ tập trung kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các sân bay có tần suất khai thác lớn, các khu vực trọng điểm, gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Còn các sân bay địa phương sẽ thực hiện công tác kiểm tra theo tần suất nhất định.

Liên quan đến vụ máy bay Boeing 737-800 của Jeju Air bị trượt khỏi đường băng và gặp nạn tại Sân bay Quốc tế Muan (Hàn Quốc), Phó Cục trưởng Hồ Minh Tấn cho biết Cục Hàng không Việt Nam vẫn đang liên tục theo dõi dữ liệu thông tin từ Boeing và nhà chức trách hàng không Mỹ, Hàn Quốc. Máy bay Boeing 737-800 được các chuyên gia hàng không đánh giá là một phi cơ an toàn, nhưng mẫu này đã liên quan đến một số sự cố trên đường băng, gần đây nhất là sự cố thủy lực với chiếc Boeing 737-800 của KLM mang số hiệu chuyến bay KL-1204 từ sân Oslo (Na Uy) đến Amsterdam (Hà Lan) hôm 28-12.

Về công tác quản lý chim và động vật hoang dã tại các sân bay của Việt Nam, trong năm qua công tác này vẫn đang được thực hiện tốt. Trong năm 2024 vẫn xảy ra một số vụ máy bay và phải chim dẫn đến hỏng hóc một số cấu trúc của động cơ, gây móp méo một số bộ phận và phải thay thế, tuy nhiên không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, ở góc độ công tác an toàn hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chim và động vật hoang dã tại khu vực sân bay. "Quản lý chim và động vật hoang dã ở sân bay luôn được đưa vào chương trình trọng điểm trong quản lý an toàn bay"- ông Hồ Minh Tấn khẳng định.

Theo Dương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên