Việt Nam trước "sóng thần" đầu tư: Một nhóm nghề được các gã khổng lồ Mỹ săn đón, Nhà Trắng bỏ ra hàng triệu USD để đào tạo cho Việt Nam
Những khoản đầu tư khổng lồ đang đổ về Việt Nam và mang lại lợi ích lớn. Ngành nghề nào sẽ được chú ý nhất trong thời gian sắp tới?
- 21-09-2023Chủ doanh nghiệp Trung Quốc xếp hàng dài để nói chuyện với đại diện Việt Nam: Cảnh tượng hiếm thấy hé lộ những tiềm năng to lớn
- 20-09-2023Kho báu lớn thứ 2 thế giới ở Việt Nam: Mặt hàng chiến lược “làm mê mẩn” các cường quốc, dự tính sản lượng tăng 5.000 lần sau vài năm
- 20-09-2023Ngủ quên trên chiến thắng, láng giềng Việt Nam trông chờ vận may khi giá gạo nhảy múa
- 19-09-2023Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng gần 5%, giá cổ phiếu vẫn "giậm chân tại chỗ": Báo Mỹ tìm cách lý giải
Nhu cầu tăng cao
Việt Nam đã chính thức thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội trong hai ngày 10-11/9 vừa qua. Với việc nâng tầm quan hệ song phương, hai nước đang tìm cách phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao ở Việt Nam nhằm đáp ứng tình trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao – tờ Business Times (Singapore) nhận định.
Các chuyên gia tin rằng quan hệ mới có tầm quan trọng đáng kể về mặt kinh tế đối với cả hai nước. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương hàng năm vượt 100 tỷ USD.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Biden, Mỹ và Việt Nam đã ký thỏa thuận về chuỗi cung ứng chất bán dẫn để mở rộng hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Mỹ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Washington cũng sẽ cung cấp khoản tài trợ ban đầu trị giá 2 triệu USD để đào tạo công nhân Việt Nam về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip.
Việt Nam được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Mỹ, cung cấp khoảng 10% tổng lượng chip nhập khẩu của Mỹ trong những tháng gần đây.
Các nhà máy tại Việt Nam chủ yếu tham gia vào các quy trình cuối như lắp ráp và thử nghiệm chip. Đây là những hoạt động có giá trị thấp hơn so với thiết kế và chế tạo chip, hầu hết vẫn được thực hiện ở nước ngoài.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách xây dựng nhà máy chế tạo chất bán dẫn đầu tiên và tận dụng tối đa dòng đầu tư từ các công ty công nghệ Mỹ, vào tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao 4 bộ xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khoảng 30.000-50.000 kỹ sư và 100 chuyên gia về chuyển đổi số, sản xuất chip bán dẫn.
Theo một số ước tính, nhân lực hiện nay ở Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của ngành bán dẫn. Có nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác, chẳng hạn như sản xuất pin, cũng đang bị thiếu hụt nhân tài.
Business Times dẫn lời ông Nguyen Dinh Thu, quản lý đầu tư cấp cao của VinES – một đơn vị thuộc tập đoàn Vingroup – cho biết công ty đã gặp một số khó khăn ban đầu trong việc thuê đủ người cho các nhà máy sản xuất pin xe điện (EV).
“Theo tôi, số lượng chuyên gia tay nghề cao hiện nay ở Việt Nam không đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy quy mô lớn (đối với các sản phẩm công nghệ cao)”, ông nói tại Diễn đàn Thương mại Việt-Mỹ hôm 13/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông nói thêm: “Các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam cần hoạch định lộ trình một cách có hệ thống nhằm xây dựng nguồn nhân sự chất lượng cao để mở rộng trong tương lai và tăng tính cạnh tranh”.
Tạo việc làm cho người dân hai nước
Nhu cầu về lao động có tay nghề địa phương ở Việt Nam rất cao. Điều này được thể hiện rõ nét khi nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ bao gồm Intel, Dell, Google, Microsoft và Apple trong những tháng gần đây đều tuyên bố rằng họ sẽ thiết lập hoạt động tại Việt Nam hoặc mở rộng cơ sở sản xuất tại đây.
Amkor Technology đang xây dựng cơ sở đóng gói và thử nghiệm thiết bị bán dẫn trị giá 1,6 tỷ USD ở miền Bắc Việt Nam, trong khi một số nhà sản xuất chip khác của Mỹ đang lên kế hoạch cho các trung tâm thiết kế chất bán dẫn mới ở khu vực miền Nam Việt Nam.
Trong lúc đó, công ty sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đã bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina vào tháng 7 năm nay, như một phần trong kế hoạch mở rộng thị trường toàn cầu của công ty. Phát biểu tại sự kiện khởi công nhà máy, Thống đốc bang North Carolina Roy Cooper cho biết cơ sở hiện đại này dự kiến sẽ “tạo ra hàng nghìn việc làm được trả lương cao” trong bang.
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng đã ký một thỏa thuận trị giá 7,8 tỷ USD để mua 50 máy bay từ Boeing, một động thái được kỳ vọng sẽ hỗ trợ hơn 33.000 việc làm tại Mỹ. Boeing cũng đã hoàn tất kế hoạch giao 200 máy bay cho VietJet trong 5 năm tới, với tổng giá trị 25 tỷ USD.
Các thỏa thuận này mang lại lợi ích song phương. Tuy nhiên đáng lưu ý rằng, trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thể tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu trong các lĩnh vực như điện tử, thì ngành hàng không vũ trụ lại ở “một cấp độ hoàn toàn khác” và phần lớn nằm ngoài tầm với của nhiều nhà cung cấp trong nước.
Dù vậy, các công ty Việt Nam được đánh giá là có lợi thế hơn so với các đối tác ở các nước như Ấn Độ và Trung Quốc ở mảng sản xuất với nhiều công đoạn đòi hỏi sự kết hợp giữa lao động lành nghề và máy móc tự động.
Phát biểu tại một diễn đàn, Maxime Dourdan, giám đốc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng của Boeing, cho biết công ty đang khuyến khích các nhà cung cấp tại Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam để giảm chi phí sản xuất, khai thác thị trường Việt Nam cũng như “khơi nguồn” cho năng lực kỹ thuật của nhân tài trong nước.
Tham khảo Business Times
Nhịp sống Thị trường