Việt Nam vẫn “khát vốn” đầu tư vào cơ sở hạ tầng dù dẫn đầu Đông Nam Á
Đứng thứ 2 châu Á sau Trung Quốc về đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng Việt Nam vẫn đang lâm vào tình trạng thiếu vốn cho lĩnh vực này. Trong khi đó, các nguồn vay ODA đang ngày một trở nên đắt hơn…
- 01-11-2016Chậm giải ngân vốn ODA
- 25-10-2016Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính năm của các dự án dùng vốn ODA
- 19-10-2016Vốn ODA và vay ưu đãi ký kết tăng nhanh, giải ngân giảm tốc
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam bình quân khoảng 5,7% GDP, chỉ đứng sau Trung Quốc (6,8%) trong khi các quốc gia như Indonesia, Philippines chỉ là dưới 3% GDP. Trong 5 năm tới, Việt Nam có nhu cầu 480 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng 11 nhà máy điện với tổng công suất 13.200 MW và 1.380 km đường cao tốc. Bộ Kế hoạch đầu tư đã tính toán cơ cấu vốn cho thời kỳ này, bao gồm 75% vốn trong nước, còn lại 25% thu hút từ vốn nước ngoài, trong đó FDI 68 tỷ USD, ODA 40 tỷ USD
ODA vào Việt Nam đang suy giảm về lượng và tăng về giá
Trong 20 năm qua, Việt nam đã huy động được hơn 74 tỷ USD ODA đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, đóng góp phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, khi Việt Nam thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình, nguồn ODA đang dần bị cắt giảm. Trong thời gian qua, các nước Anh, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Tây Ban Nha,… đã dừng hoặc giảm dần cung cấp ODA cho Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra dự kiến thời điểm dừng vốn ODA cho Việt Nam trong 1 – 2 năm nữa. ADB cũng thông báo dừng vốn ODA cho Việt Nam trong thời gian tới.
Không chỉ suy giảm về lượng, dường như các nguồn ODA cũng trở nên “đắt đỏ” hơn khi đi kèm với các điều khoản khắt khe. Dự kiến đến tháng 7/2017, các nguồn ODA WB dành cho Việt Nam sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc lãi suất tăng lên từ 4% - 5%.
Tăng vốn tư nhân thay thế cho ODA
Vốn ODA đang bị cắt giảm dần, nguồn vay từ các tổ chức thương mại quốc tế lại đòi hỏi cao về lãi suất và các điều kiện ràng buộc, trong khi nhu cầu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn ngày càng tăng cao. Vì vậy, Việt Nam cần tăng cường các biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư trong nước để thay thế nguồn ODA. Thực tế, ở Việt Nam, tỷ lệ đầu tư tư nhân còn rất thấp chưa tới 10%, trong khi các quốc gia khác như Ấn Độ, tỷ lệ này là hơn 30%. Nguyên nhân là các dự án của Việt Nam thuộc lĩnh vực này ít có nghiên cứu khả thi, độ tin cậy thấp, rủi ro cao, chi phí giải phóng mặt bằng tốn kém, thời gian thường bị kéo dài.
Mới đây nhất, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tăng cường thu hút vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng khi ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu tài chính.