MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch

27-11-2021 - 10:39 AM | Doanh nghiệp

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch

Chi phí vận chuyển của Diversatek hiện tăng gấp 4-5 lần so với một năm trước, dẫn đến chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa đến khách hàng. Tuy khó khăn, nhưng Tổng giám đốc Diversatek ông Jonathan Moreno luôn tin rằng chìa khóa để bước qua thời kỳ thử thách này chỉ có thể là sự kiên nhẫn và nỗ lực hết sức.

Đại dịch đi qua đã làm nhiều doanh nghiệp lao đao, trong đó có cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư , Mỹ có tổng vốn đầu tư hơn 9,7 tỷ USD, đứng thứ 11 trong 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tính đến 20/10, các doanh nghiệp FDI Mỹ đầu tư 1.134 dự án vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 9,7 tỷ USD.

Trong hai năm qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch cùng nhiều đợt giãn cách liên tiếp. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động lớn đến hoạt động của các trung tâm công nghiệp lớn như TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương...

Tại Talk show Nguy Cơ, chia sẻ với người dẫn chương trình Nguyễn Phi Vân, hai vị khách mời là bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham (Hiệp hội Thương Mại Mỹ) Việt Nam và ông Jonathan Moreno, Tổng Giám đốc Diversatek Việt Nam, đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp FDI Mỹ.

Đại dịch mang đến những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp

Đại diện AmCham chia sẻ: "Trong những làn sóng Covid-19 đầu tiên, tôi nghĩ, Việt Nam đã kiểm soát vô cùng hiệu quả. Khi làn sóng thứ tư ập tới, tất cả chúng tôi, bao gồm các nhà đầu tư nước ngoài, các công ty nước ngoài ở Việt Nam và các công ty Việt Nam đều gặp vô vàn khó khăn."

Đại dịch thực sự ảnh hưởng đến các công ty sản xuất, các doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, đảo lộn sản xuất kinh doanh, có doanh nghiệp phải dừng một phần, thậm chí toàn bộ hoạt động. Nhiều công ty đã không thể duy trì hoạt động, hoặc nếu có thể duy trì hoạt động theo mô hình bong bóng tốn kém, phức tạp cả về mặt logistic và về tinh thần. Bà Mary cho rằng, những giải pháp tạm thời hiệu quả, tuy nhiên, chúng không bền vững.

Ông Jonathan Moreno của Diversatek chia sẻ rằng công ty phải chi hơn gấp đôi số tiền để sản xuất ra 50% sản lượng. Trong thời điểm khó khăn, Diversatek tự hào vẫn giữ chân được nhân công để tiếp tục sản xuất, ngay cả khi hiện tượng dòng người lao động lũ lượt rời các thành phố để về quê xảy ra trên diện rộng. Diversatek và nhiều công ty thành viên của AmCham đã làm được điều này nhờ nỗ lực trong hoạt động chăm sóc, hỗ trợ nhân viên trong khoảng thời gian giãn cách.

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch - Ảnh 1.

Hình ảnh trong tập phát sóng. Ảnh S-World.

Dù thành công về mặt con người, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với những khó khăn khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy. Ông Jonathan chia sẻ: "Chi phí vận chuyển hiện tăng gấp 4-5 lần so với một năm trước, dẫn đến chậm trễ trong vận chuyển hàng hóa đến khách hàng. Có những lúc tôi rất căng thẳng khi bị khách hàng nhắn tin gọi điện liên tục. Tuy khó khăn, nhưng tôi luôn tin rằng chìa khóa để bước qua thời kỳ thử thách này chỉ có thể là sự kiên nhẫn và nỗ lực hết sức."

Tuy đại dịch đã gây nhiều khó khăn và tổn thương, trong "nguy" vẫn có "cơ" cho doanh nghiệp. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Và trong 9 tháng đầu năm 2021, số vốn FDI vào Việt Nam đạt khoảng 22 tỷ USD, với nhiều nhà đầu tư đến từ Mỹ. Có thể thấy, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là ở ngành sản xuất.

Bà Mary nhận định, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực nhờ vị trí thuận lợi về mặt địa lý, gần với các quốc gia sản xuất và các điểm đến của người tiêu dùng. Đại diện AmCham đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực nội thất, giày dép, may mặc, công nghệ, năng lượng tái tạo, điện khí LNG, tiêu dùng, y tế, hạ tầng hàng không; công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế…

Cầu nối chiến lược giữa doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam

Theo thống kê, Mỹ hiện là nhà tài trợ vaccine lớn nhất cho Việt Nam với gói viện trợ 15 triệu vaccine. Bà Mary cho biết, trọng tâm chính của phái bộ Mỹ tại Việt Nam đã luôn là xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài về y tế giữa hai nước. Amcham đã luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam trong việc phòng chống dịch, và tổ chức này mong muốn phát triển để trở thành đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy lĩnh vực y tế tại Việt Nam.

Trong đợt dịch vừa qua, đội ngũ AmCham và các nhà lãnh đạo tình nguyện của đã làm việc 24/7 để hỗ trợ kịp thời cho các công ty thành viên. "Tổng giám đốc của các nhà máy còn nằm ngủ trên sàn nhà cùng với các đội nhóm để duy trì hoạt động kinh doanh. Chúng tôi cùng nhau cố gắng hết sức để hoàn thành sứ mệnh của mình", bà Mary cho biết.

Chuyên gia từ AmCham chia sẻ thêm: "Sứ mệnh của AmCham là thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam, và đóng vai trò là tiếng nói của doanh nghiệp Mỹ tại đây. Vì vậy, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để cập nhật tin tức cho chính phủ Mỹ về những thách thức mà các công ty thành viên của chúng tôi đang phải đối mặt."

Nhằm chia sẻ tâm tư nguyện vọng của công ty thành viên, AmCham đã tổ chức một số sự kiện trực tuyến với các nhà lãnh đạo từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, Hội đồng An ninh Quốc gia, cũng như với các cố vấn của Phó Tổng thống Kamala Harris khi bà đến Việt Nam. Tổ chức cũng có các cuộc họp cấp cao với chính phủ Việt Nam và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 9.

"Tôi nghĩ rằng cả Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Mỹ đều lắng nghe và tiếp thu những tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp. Những thách thức mà các doanh nghiệp thành viên gặp phải tại Việt Nam là lý do rất quan trọng để thuyết phục Chính phủ Mỹ tài trợ thêm vaccine cho Việt Nam", bà cho biết.

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch - Ảnh 2.

Hình ảnh trong tập phát sóng. Ảnh S-World.

Tiềm năng hợp tác chiến lược Mỹ -Việt Nam trong tương lai

Việt Nam là một trong 11 thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các nước CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại hơn 10.000 tỷ USD. Tuy nhiên mới đây, Mỹ tuyên bố không tham gia CPTPP mà thay vào sẽ tìm kiếm một khuôn khổ kinh tế vượt ra ngoài phạm vi của hiệp định.

Ông Jonathan cũng thẳng thắn chia sẻ: "Với tư cách là một người Mỹ, tôi muốn thấy nước Mỹ tham gia CPTPP vì lợi ích của đất nước tôi. Hiệp định sẽ mở ra rất nhiều cánh cửa, rất nhiều cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp tìm đến Việt Nam để đầu tư và kinh doanh. Đó sẽ là một trong những lý do khiến Việt Nam thành một điểm đến hấp dẫn."

Bà Mary hy vọng sẽ có những cơ hội khác để hai bên tăng cường hợp tác, có thể là trong khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư hoặc trong các lĩnh vực kinh tế số, an ninh mạng. Môi trường pháp lý tốt và vững chắc sẽ là chìa khóa để Việt Nam khai thác tiềm năng và duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số tự do và cởi mở, có thể phát triển lớn mạnh.

Mục tiêu của AmCham là trở thành hiệp hội doanh nghiệp chiến lược, có ảnh hưởng và năng động nhất tại Việt Nam, thực sự giúp thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững qua hoạt động chào đón những công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để thực hiện sứ mệnh kết nối và phát triển, AmCham đã đặt ra bốn mục tiêu chiến lược vào đầu năm nay để hỗ trợ tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ bao gồm: (i) Đặt nền móng cho một hiệp định thương mại tự do, (ii) Tạo điều kiện để đầu tiên là ngành du lịch mở cửa trở lại một cách an toàn, (iii) Xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng trưởng bền vững, (iv) Phát triển một lực lượng lao động cạnh tranh toàn cầu cho tương lai.

Nhận định về mục tiêu cuối cùng liên quan đến thị trường lao động Việt Nam, bà chia sẻ: "Một trong những thế mạnh của Việt Nam, đó là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết về công nghệ. Tuy nhiên, họ cũng có một số lỗ hổng về kỹ năng. Và chúng tôi muốn hợp tác để giải quyết những lỗ hổng về kỹ năng đó qua việc hợp tác với các ngành công nghiệp và giáo dục.".

Sau 11 năm làm việc và quản lý nhân sự ở thị trường Việt Nam, ông Jonathan thấy rằng dù mặt bằng chung về trình độ của sinh viên ra trường khá cao, nhất là ở khả năng sử dụng ngôn ngữ. Nhưng ở các vị trí nhân sự cao, chủ chốt, vẫn còn đó lỗ hổng kỹ năng cần được lấp đầy.

Cả hai vị khách mời đều bày tỏ sự lạc quan về tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Ông Jonathan nhận định, không cần phải có một chiến dịch truyền thông nào để quảng bá và thu hút nhà đầu tư. Chỉ cần từng cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức làm việc hướng đến mục tiêu "xuất sắc", mọi việc sẽ phát triển thật tự nhiên.

Đại diện Amcham nhấn mạnh sự sáng tạo và đổi mới như một điều kiện cần để phát triển đất nước. Chỉ cần các cá nhân cũng như các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, Việt Nam sẽ có một tương lai vô cùng rực rỡ. "Việt Nam vẫn được coi là một điểm đến rất hấp dẫn cho ngành sản xuất, và là miền đất hứa của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai." - Bà Mary nhận xét.

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng của doanh nghiệp FDI sau cơn bão đại dịch - Ảnh 3.

Tâm An

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên