MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam vươn ra biển lớn!

Tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nguồn sức mạnh để Việt Nam tự tin vươn ra biển lớn.

Trong hơn bảy thập kỷ qua, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác, là nguồn sức mạnh để một Việt Nam độc lập, tự cường tự tin vươn ra biển lớn, ngày càng có tiếng nói trên trường quốc tế.

73 năm về trước, trong những ngày tháng Tám sục sôi cách mạng, trước sự chuyển biến mạnh mẽ của tình hình trong nước và thế giới có lợi cho cách mạng Việt Nam, đứng trước thời cơ ngàn năm có một để giành chính quyền, theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào trong cả nước nhất tề đứng dậy tiến hành các cuộc biểu tình, mít tinh, vũ trang thị uy chiếm công sở, cơ quan của địch, xoá bỏ hệ thống cai trị của chế độ cũ, khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng.

Ngày 19/8/1945, sự kiện Hà Nội vùng lên giành chính quyền thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần nhân dân cả nước khẩn trương tiến hành khởi nghĩa. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với quốc dân đồng bào và toàn thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định: “ …Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ...”; “…Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Bản Tuyên ngôn độc lập như một bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam, là sự kết tinh truyền thống lịch sử bất khuất, kiên cường của dân tộc trong suốt mấy nghìn năm lịch sử.

Việt Nam vươn ra biển lớn! - Ảnh 1.

Trong nửa đầu năm 2018, GDP của Việt Nam tăng 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2010.

Trong hơn bảy thập kỷ qua, tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám, chủ nghĩa yêu nước nồng nàn và tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tinh thần ấy được chuyển hóa vào trong từng chủ trương, chính sách của Đảng, những quyết sách quyết liệt đưa đất nước ta từ một nước nghèo, lạc hậu, vươn lên để được thế giới công nhận là nước đang phát triển.

Sau 73 năm giành độc lập, hơn 30 năm đất nước đổi mới, đời sống của nhân dân được cải thiện từng ngày, cơ sở hạ tầng của chủ nghĩa xã hội đã được xây dựng một bước đáng kể, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo được các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm và ủng hộ nhiệt tình.

Đặc biệt, tiếp đà tăng trưởng cao 2016 – 2017, bằng những biện pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ “kiến tạo” dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng cộng sản, trong nửa đầu năm 2018, GDP của Việt Nam tăng 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2010. Trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 300 tỷ USD, tăng 14%, vốn FDI đạt gần 25 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, Việt Nam đón 10,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,8%... phấn đấu GDP cả năm 2018 tăng 6,7%.

Nỗ lực của Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, khi vào trung tuần tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2018, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8%, hay sau đó ít ngày  ADB cũng  dự báo GDP của chúng ra sẽ tăng 7,1%, trong khi bình quân khu vực Đông Nam Á chỉ là 5,2%. Đáng mừng hơn, vào tháng 5 vừa qua, Fitch đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên mức ổn định tích cực. Tương tự, tại báo cáo  mới nhất (ngày 10/7/2018) của Tổ chức WIPO về sở hữu trí tuệ toàn cầu của Liên Hợp Quốc, chỉ số sáng tạo toàn cầu GII 2018 của Việt Nam được xếp thứ 45/126.

Việt Nam cũng đang nỗ lực “đón sóng” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), làm thay đổi căn bản nền sản xuất, từng bước vẽ lại bản đồ kinh tế toàn cầu. Nếu không có giải pháp hữu hiệu thì chúng ta sẽ tụt hậu, hoặc “lỡ tàu” so với xu hướng đi lên của các nước trên thế giới.

Ý thức rõ điều này Đảng, Nhà nước đã nhận diện cuộc CMCN mới của thế giới, thể hiện sớm trong các văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước.

Việt Nam vươn ra biển lớn! - Ảnh 2.
Việt Nam đang nỗ lực “đón sóng” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, làm thay đổi căn bản nền sản xuất.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 để chủ động nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này. Thủ tướng cũng nhấn mạnh,  không phải từ bây giờ mà trong quá trình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới và chuyển giao khoa học công nghiệp, Việt Nam đã chủ động triển khai, chuyển giao, ứng dụng và nghiên cứu phát triển công nghệ. Các công nghệ mới của CMCN 4.0 đã phát huy tác dụng ở Việt Nam và mang lại những đóng góp rất cụ thể, tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.

Theo giới chuyên gia, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia và ở vị trí hàng đầu trong CMCN 4.0. Bởi chúng ta có rất nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, người gốc Việt giỏi trong lĩnh vực này. Họ chính là những nhân tố tích cực mang tri thức, mang khoa học, công nghệ  đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Chính phủ đã phát huy tinh thần dân tộc, quy tụ người tài cùng chung tay xây dựng đất nước khi mới đây khởi động Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo 2018. Đã có hàng trăm nhà khoa học, sáng tạo từ khắp các nơi trên thế giới trở về sẵn sàng đóng góp công sức xây dựng quê hương.

Đúng như TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một dân tộc thông minh, rất nhạy bén với thời đại, thể hiện ở việc trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với những xu hướng phát triển mới trên thế giới như: coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt (năm 1976); xác định phát triển kinh tế tri thức là đường hướng phát triển kinh tế Việt Nam (năm 1996); hay việc sớm đề ra 2 quốc sách lớn gắn với trí tuệ con người là “Giáo dục đào tạo” và “Khoa học công nghệ”.

Với cuộc CMCN 4.0, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, Việt Nam cần phải xây dựng chiến lược số chuyển đổi phù hợp, có chính sách quản trị thông minh (thể chế hiện đại, chính quyền hiệu quả, công khai, minh bạch), xây dựng hạ tầng kết nối số và an ninh mạng, tạo nguồn nhân lực số, xây dựng công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…

Vị chuyên gia hàng đầu về kinh tế cũng tin rằng chúng ta sẽ thành công trên con đường đổi mới sáng tạo trên tinh thần quyết tâm và  truyền thống của dân tộc được hun đúc từ nhiều thế hệ đi trước. Kinh tế - xã hội Việt Nam nhất định được cải thiện, đất nước ngày càng phồn thịnh, đời sống người dân càng ngày càng “ấm no, hạnh phúc” đúng như mong muốn của Hồ Chủ tịch.

Với niềm tự hào, phấn khởi về chặng đường 73 năm gìn giữ nền độc lập dân tộc, tinh thần Cách mạng Tháng Tám mãi mãi tỏa sáng, là nguồn sức mạnh để một Việt Nam độc lập, tự cường ngày càng có tiếng nói trên trường quốc tế.

Theo Ngô Huyền

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên