Viết tiếp câu chuyện chứng khoán
Năm 2023 qua đi với những thăng trầm khó quên trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư liên tục được “thử lửa”. Dù vậy, câu chuyện hấp dẫn vẫn đang được viết tiếp và năm 2024 kỳ vọng khởi đầu một chu kỳ mới của chứng khoán trong nước.
- 31-12-2023Quỹ ETF quy mô lớn nhất thị trường mua ròng 1.800 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam trong năm 2023
- 31-12-2023Doanh nghiệp thép đầu tiên công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024
- 30-12-2023Loạt Công ty chứng khoán "việt vị" với dự báo VN-Index trong năm 2023
Lửa thử vàng
Giai đoạn tháng 4-8/2023, VN-Index hồi phục mạnh, tăng tới 200 điểm, tạo đỉnh 1.245 điểm. Niềm vui không kéo dài, chỉ hai tháng sau, chỉ số chính lao dốc lấy đi toàn bộ thành quả trước đó. Dịp cuối năm, VN-Index hồi phục nhẹ, giằng co quanh mốc 1.100 điểm. Mốc 1.100 điểm thử thách VN-Index tới 7 lần trong năm nay. “Khốc liệt” nhất là phiên 26/10 khi VN-Index đánh rơi hơn 46 điểm. Trải qua thăng trầm, VN-Index khép lại năm 2023 với mức tăng trưởng hơn 10%, tích cực hơn đáng kể so với năm trước đó.
Dù thị trường hồi phục, giằng co hay ảm đạm, xuyên suốt năm qua của khối ngoại là bán ròng. Đến nay, khối ngoại đã bán ròng 7 phiên liên tiếp, giá trị 22.426 tỷ đồng, gây ảnh hưởng tâm lý tới nhà đầu tư trong nước. Giao dịch khối ngoại trở thành điểm trừ lớn trong bức tranh chứng khoán 2023, đè sức nặng tâm lý lên thị trường. Tâm lý nhà đầu tư được “thử lửa” qua nhiều sự kiện, như hiệu ứng vụ Vạn Thịnh Phát, ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm bất động sản, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý...
Gam trầm khác còn đến từ việc lỡ hẹn mục tiêu nâng hạng, hệ thống KRX chưa thể vận hành. Chứng khoán “lặng sóng”, ngay cả Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vốn nhộn nhịp những buổi lễ đánh cồng, thì nay vắng vẻ. Một số tân binh mới trên HoSE cũng là những gương mặt cũ, chuyển sàn từ UPCoM, như NAB, VTP. Số lượng các đợt đấu giá trên sàn chứng khoán ngày càng ít, “bom tấn” gần như không có. Năm 2023 là năm ảm đạm nhất của hoạt động đấu giá cổ phần trên sàn từ trước đến nay: Theo thống kê từ các sở giao dịch chứng khoán (HoSE và HNX), mới có 3 đợt đấu giá cổ phần, tổng giá trị hơn 2.700 tỷ đồng, thấp nhất trong một thập kỷ.
Kịch bản nào
Ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Nghiên cứu khối Khách hàng tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, lợi nhuận thị trường năm 2024 dự kiến tăng trưởng 28%, chứng khoán xứng đáng có mức định giá cao hơn. Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích FIDT gợi ý 3 kịch bản dự báo cho VN-Index năm 2024 và nhấn mạnh có tới 65% xác suất sẽ rơi vào kịch bản cơ sở, VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động là 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam hồi phục tốt trong bối cảnh kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Các rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế. Dòng vốn ngoại trở lại từ cuối quý II/2024.
Các chuyên gia của Chứng khoán MSB nghiêng về kịch bản VN-Index có thể tăng lên ngưỡng 1.300 - 1.350 điểm. Điều kiện, các biến số lãi suất điều hành của FED tăng thêm 0,25% vào cuối năm 2023, sau đó giảm từ quý III/2024; mặt bằng lãi suất VND giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm 50 điểm cơ bản; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 tăng 16,8%.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn FinPeace, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá. Sau giai đoạn 2022-2023 đi xuống và đi ngang ở đáy, chúng tôi kỳ vọng năm 2024 có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Đây cũng là điểm bắt đầu một chu kỳ lớn, sẽ là lúc nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu giá trị vào đầu năm và tìm kiếm lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm.
Câu chuyện hấp dẫn vẫn đang được viết tiếp, với điểm nhấn là nâng hạng thị trường cũng như việc nhà đầu tư cá nhân dần lấy lại sự tự tin. Đây sẽ là động lực giúp thị trường quay lại xu hướng tăng. Nâng hạng thị trường cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Tài chính giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2024.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2024, ủy ban chú trọng hơn nữa công tác tái cơ cấu hiệu quả thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao tính kỷ cương, kỷ luật thông qua giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm.
Tiền Phong