MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank có khả năng bán cổ phiếu cho Mizuho và GIC với giá 57.000 đồng/cp

08-01-2019 - 12:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Lợi nhuận hợp nhất năm 2018 của ngân hàng ước tính đạt khoảng 18.400 tỷ đồng.

Vietcombank vừa được được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) chấp thuận cho chào riêng lẻ cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính. 

Theo Chứng khoán Rồng Việt VDSC, Vietcombank sẽ phát hành gần 108 triệu cổ phiếu mới cho GIC và Mizuho với giá trị là 270 triệu đô. Như vậy, giá chào bán trung bình ước tính khoảng 57.000 - 57.500 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của Vietcombank dao động quanh mức 53.000-54.500 đồng/cp, thấp hơn so với giá ước tính của VDSC. 

Sau thương vụ phát hành, tỷ lệ sở hữu của Mizuho vẫn được giữ nguyên ở mức 15%, trong khi sở hữu của NHNN giảm xuống còn khoảng 74,9% và sở hữu của nhà đầu tư mới (GIC) là khoảng 2,5%. 

Kết quả sơ bộ cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ Vietcombank năm 2018 sẽ đạt khoảng 18.000 tỷ đồng, tăng 60% so với năm 2017. Lợi nhuận hợp nhất ước tính đạt khoảng 18.400 tỷ. 

VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2018 của Vietcombank đạt khoảng 14,5%, tỷ lệ NPL giảm xuống dưới 1%. Mặc dù tín dụng tăng không quá cao, nhưng ước tính thu nhập lãi thuần của ngân hàng ước tăng tới 26%. Nguyên nhân là NIM của Vietcombank đã tiếp tục mở rộng do ngân hàng tăng cường cho vay bán lẻ trong những năm gần đây. Dư nợ bán lẻ, bao gồm các khoản vay của doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay cá nhân, chiếm khoảng 46% trong tổng dư nợ (2017 là 40%). 

Thu nhập dịch vụ của Vietcombank năm 2018 tăng hơn 30% chủ yếu nhờ đóng góp cao hơn từ phí và các khoản hoa hồng. 

Ngân hàng tiếp tục trích lập dự phòng cao trong năm 2018, ước tăng 18%. Nhờ vậy, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLR) tăng lên hơn 160%. 

Vietcombank đã hoàn thành kế hoạch thoái vốn vào năm 2018. Theo ước tính của VDSC, Vietcombank có thể ghi nhận khoảng 1.100 tỷ đồng lợi nhuận từ việc bán MBB và EIB. 

Với nỗ lực tái cấu trúc các khoản vay, tăng cường trích lập dự phòng và thoái vốn nhiều khoản đầu tư dài hạn, Vietcombank đã đáp ứng Basel II từ cuối năm 2018, bất kể ngân hàng chỉ hoàn thành một phần ba kế hoạch tăng vốn của mình. Nguồn vốn tăng thêm sẽ hỗ trợ hoạt động cốt lõi của VCB duy trì tăng trưởng trong năm 2019 - 2020.

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên