10 ngân hàng Việt Nam có tên trong 500 ngân hàng lớn mạnh nhất khu vực, Vietcombank đứng thứ 17
Trong số 10 ngân hàng của Việt Nam lọt top 500 ngân hàng mạnh nhất thì Vietcombank đứng đầu bảng.
- 26-09-2019Thương vụ 400 triệu USD của Vietcombank chỉ là “vé vào cửa”
- 25-09-2019Vietcombank ồ ạt mở rộng mạng lưới, được cấp phép thành lập 31 phòng giao dịch mới
- 25-09-2019Bloomberg: Tập đoàn FWD sắp ký thỏa thuận bancassurance trị giá 400 triệu USD với Vietcombank
Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên về thanh toán quốc tế Sibos diễn ra tại London hôm 24/9, Tạp chí The Asian Banker (TAB) đã tổ chức Lễ vinh danh 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất thế giới với sự tham dự của đại diện các ngân hàng, định chế tài chính lớn của khu vực và thế giới.
Trong danh sách 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất khu vực, Việt Nam góp mặt với 10 cái tên bao gồm Vietcombank, MB, Techcombank, SCB, BIDV, Agribank, ACB, TPBank, HDBank và VietinBank. Vietcombank là ngân hàng duy nhất đại diện cho Việt Nam được mời tham dự sự kiện và được nhận giải ngân hàng có bảng cân đối tài chính mạnh nhất Việt Nam 2019.
Hàng năm, The Asian Banker tổ chức bình chọn nhiều hạng mục giải thưởng nhằm vinh danh các ngân hàng, tổ chức tài chính đạt được kết quả tốt trong khu vực như các giải thưởng: Transaction Banking Awards, Retail Banking Awards, Asian Banker 500…
Giải thưởng Ngân hàng mạnh nhất tại mỗi quốc gia được tiến hành kể từ năm 2007 nhằm bình chọn ra các ngân hàng mạnh nhất trong khu vực dựa trên bảng cân đối tài chính. Đây là bảng xếp hạng đầu tiên và uy tín trên thế giới căn cứ quá trình bình chọn chi tiết, minh bạch nhằm ghi nhận thành tích của các ngân hàng thương mại trên các tiêu chí gồm quy mô phát triển, tăng trưởng bảng cân đối kế toán, rủi ro, chất lượng hoạt động và thanh khoản.
Trong 10 ngân hàng Việt lọt top mạnh nhất, Vietcombank có chỉ số sức mạnh 3,74 điểm trên tổng điểm 5, là ngân hàng có bảng cân đối kế toán mạnh nhất Việt Nam và xếp thứ 17 trong danh sách 500 ngân hàng được gọi tên của khu vực.
Đứng thứ hai là MB với 3,08 điểm. 8 ngân hàng còn lại có điểm từ 2,55 đến 2,94 điểm trên thang điểm 5.
Bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam trong danh sách 500 ngân hàng có bảng cân đối kế toán mạnh nhất khu vực do TAB công bố (nguồn: The Asian Banker)
Theo The Asian Banker, Vietcombank lọt top mạnh nhất nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng - thể hiện thông qua tăng trưởng về lợi nhuận, hệ số thu nhập trên tài sản, chất lượng tài sản và huy động vốn.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây Vietcombank đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh không chỉ về lợi nhuận mà còn các chỉ số tài chính chính yếu khác như huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, tổng tài sản... Riêng năm 2018, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đã ở mức hơn 18.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2019 đạt trên 11.300 tỷ đồng và cả năm dự kiến sẽ vượt 20.000 tỷ đồng. Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần chia sẻ với báo giới và cổ đông về việc ngân hàng rất tự tin sớm đạt mốc lợi nhuận 1 tỷ USD.
Chất lượng tài sản của Vietcombank cũng đang dẫn đầu toàn hệ thống ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 1% trên tổng dư nợ, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu đạt đến 180% - con số không ngân hàng nào ở Việt Nam có được từ trước tới nay.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Vietcombank có vốn hóa lớn thứ 3 sau Vingroup và Vinhomes (cập nhật tại ngày 27/9/2019) với hơn 300.000 tỷ đồng tương đương gần 13 tỷ USD. Riêng lĩnh vực tài chính ngành ngân hàng, Vietcombank giữ vị trí tiên phong và vượt rất xa về vốn hóa so với các ngân hàng đứng sau là BIDV và VietinBank.
Với những kết quả đạt được, Vietcombank không chỉ là ngân hàng mạnh nhất Việt Nam được giới đầu tư trong nước ghi nhận mà còn được các định chế tài chính lớn, các tổ chức độc lập trong khu vực và trên thế giới công nhận, trong đó có The Asian Banker.
Mới đây, Vietcombank lại ghi thêm dấu ấn trên thị trường bằng việc xuất hiện đối tác hợp tác FWD cung cấp dịch vụ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với giá trị ban đầu khoảng 400 triệu USD. Theo một số nguồn tin, khoản tiền đó dù lớn nhất trong mảng bancassurance ở Việt Nam từ trước tới nay, song mới chỉ là một khoản ký kết ban đầu như "vé vào cửa", giá trị thực của thương vụ này lớn hơn nhiều lần, với đơn vị tỷ USD.
Chưa hết, Vietcombank còn đang vươn mình mạnh mẽ với sự hiện diện khắp nơi, mới đây ngân hàng này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho mở thêm 31 điểm giao dịch trên toàn quốc, sau khi ghi dấu tại thị trường Mỹ với việc được Sở Quản lý Tài chính Tiểu bang New York ban hành Giấy phép hoạt động chính thức cho Văn phòng đại diện của nhà băng này tại Thành phố New York.
Giới quan sát tin rằng, với những gì Vietcombank đã và đang thể hiện, ngân hàng này sẽ bước ra thị trường thế giới, sánh vai với các định chế tài chính lớn trong tương lai gần.
Nhịp sống kinh tế