Vietcombank "mất tích bí ẩn" trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á của Fortune, dù 18 nhà băng Việt góp mặt
Fortune – tạp chí đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ lần đầu công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. 18 nhà băng Việt Nam góp mặt trong danh sách này, tuy nhiên, Vietcombank – nhà băng top đầu về lợi nhuận bất ngờ vắng mặt.
- 17-06-2024Lãi suất cho vay mới nhất tại Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV: Thấp nhất bao nhiêu?
- 17-06-2024Muốn mua vàng tại BIDV, Agribank, Vietcombank phải đăng ký online thành công
- 12-06-2024Nhiều người dân xếp hàng từ 3h sáng, Vietcombank triển khai đăng ký mua vàng SJC online từ hôm nay 12/6
Theo công bố của Fortune, bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á được xét trên tiêu chí doanh thu cho năm tài chính 2023. Ngưỡng doanh thu tối thiểu để một doanh nghiệp lọt vào danh sách là hơn 460 triệu USD.
Thực tế, vị trí trên bảng cũng được sắp xếp theo tiêu chí doanh thu. Ví dụ, nếu xét trên tổng tài sản và lợi nhuận Fortune công bố, BIDV đứng trên Agribank. Tuy nhiên trên bảng xếp hạng của Fortune, Agribank lại có vị trí cao hơn, trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam do doanh thu năm tài chính 2023, AgriBank đạt hơn 7,536 tỷ USD, trong khi con số này tại BIDV là 5,318 tỷ USD.
Dựa theo doanh thu, danh sách của Fortune gồm 18 ngân hàng tại Việt Nam như Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, MB, Techcombank, Sacombank, SHB, ACB, HDBank, VIB, LPBank. TPBank, MSB, SeABank, Nam A Bank, Eximbank, Bac A Bank.
Tuy có sự hiện diện của 18 ngân hàng nhưng điều bất ngờ là bảng xếp của Fortune vắng mặt Vietcombank – nhà băng năm qua xác lập kỷ lục về lợi nhuận toàn ngành ngân hàng.
Năm 2023, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. So với các nhà băng khác, "ông lớn" này giữ cách biệt lợi nhuận hơn chục nghìn tỷ đồng.
Xét trên thu nhập từ hoạt đông, năm qua, Vietcombank ghi nhận hơn 67.723 tỷ đồng từ khoản thu này, giảm 0,5% so với năm 2022. Con số này kém hai ngân hàng quốc doanh được niêm yết khác là BIDV và VietinBank, khi có thu nhập từ hoạt động lần lượt này 73.013 tỷ đồng và 70,700 tỷ đồng nhưng nếu so với các ngân hàng khác trong danh sách của Fortune như VPBank hay MB, thì thu nhập từ hoạt động của Vietcombank vượt xa. Chẳng hạn, năm 2023, VPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động 49.743 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022. Còn MB, thu từ hoạt động chính ghi nhận 38.683 tỷ đồng.
Báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo Vietcombank cũng cho rằng, nhà băng này tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu ngành ngân hàng về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,84 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt gần 1,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2022.
Nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,99% - thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt xấp xỉ 227%, thuộc nhóm cao nhất thị trường.
Không nằm trong danh sách của Fortune, nhưng trước đó, Vietcombank là cái tên quen mặt của trong bảng xếp hạng 1.000 ngân hàng mạnh nhất toàn cầu của The Asian Banker. Trong danh sách 1.000 ngân hàng mạnh nhất toàn cầu năm 2023, Vietcombank đứng hạng 391 trong top 1.000.
Không chỉ vững vàng ở vị trí doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam, nhà băng này tiếp tục được ghi danh trong danh sách "100 ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất toàn cầu". 2023 cũng là năm đầu tiên Vietcombank lọt vào "Top 20 Doanh nghiệp có chỉ số phát triển bền vững (VNSI) tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2023".
Fortune là một tạp chí kinh doanh đa quốc gia, do Time Inc phát hành và sở hữu. Fortune thường xuyên xuất bản các bảng xếp hạng Fortune 500, hiện gồm các bảng xếp hạng Fortune Global 500, Fortune 500 Europe, Fortune China 500 và mới đây là Fortune SEA 500.
Đây là lần đầu tiên Fortune tung bảng xếp hạng các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á, dựa vào tiêu chí doanh thu cho năm tài chính 2023. Bảng xếp hạng quy tụ các công ty từ 7 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Philippines và Campuchia.
Việt Nam có 70 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách, trải dài từ tài chính-ngân hàng, bất động sản, năng lượng, lương thực, công nghiệp nặng, tới hàng không, bán lẻ….
An ninh tiền tệ