Vietcombank rao bán tài sản liên quan dự án BĐS PV GAS Tower
Dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower là công trình hợp tác kinh doanh giữa PV GAS, PVC và Phú Long Co., có tổng mức đầu tư dự kiến là 827 tỉ đồng
- 24-11-2021Đề xuất xây dựng Luật Xử lý nợ xấu theo thủ tục rút gọn
- 24-11-2021Nợ xấu nội bảng cuối tháng 9/2021 đã trở lại ngang mức năm 2017, thành quả 5 năm có nguy cơ bị xoá bởi Covid-19
- 12-11-2021Mua bán nợ xấu "bít đường", ngân hàng và VAMC ráo riết tìm lối thoát
Vietcombank chi nhánh TPHCM vừa thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh và các phụ lục đính kèm ký giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam - PVGAS, Công ty Cổ phần địa ốc Phú Long và Tổng Công ty Tư Vấn Thiết Kế Dầu Khí – Công ty Cổ phần (PVE).
Số tài sản này được Vietcombank chào bán với giá khởi điểm hơn 419 tỷ đồng và được phân loại về dạng bất động sản.
Được biết, quyền tài sản mà Vietcombank rao bán liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng Dragon Tower (nay đã đổi tên thành PV GAS Tower) được ký giữa PVGAS, Tổng Công ty PVC và Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long.
Theo giới thiệu của PVGAS, dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower là công trình hợp tác kinh doanh giữa PV GAS, PVC và Phú Long Co., với tổng mức đầu tư dự kiến là 827 tỉ đồng. Đây là tổ hợp trụ sở văn phòng kết hợp với thương mại dịch vụ trên diện tích khu đất 7.441m2, mục tiêu là xây dựng hoàn chỉnh một khu cao ốc văn phòng cao cấp, kết hợp thương mại, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu văn phòng cho các công ty trong tầm nhìn nhiều năm tới. Tòa nhà cao 15 tầng có diện tích sàn thương mại dịch vụ là 8.680 m2, diện tích sàn văn phòng cho thuê là 22.615 m2.
Dự án cao ốc văn phòng Dragon Tower . (Ảnh: Địa ốc Phú Long)
Dự án có địa chỉ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, cách trung tâm thành phố 5km, kế bên khu đô thị hiện đại Phú Mỹ Hưng. Công trình là dự án thành phần của dự án Dragon City đã được UBND Thành phố giao đất cho Công ty CP Địa ốc Phú Long. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2010.
Về phía Vietcombank, ngân hàng này cũng liên tục rao bán các khoản nợ xấu và tài sản thế chấp trong thời gian gần đây.
Hồi đầu tháng, Vietcombank thông báo phát mại tài sản bảo đảm khoản nợ của CTCP Phú Tường GSF bao gồm 2 nhà xưởng sản xuất với diện tích xây dựng từ 3.300 - 3.660 m2 nằm tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Cùng với đó là dây chuyền máy sạch, tuyển chọn và phân loại ngũ cốc, hệ thống máy móc thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho hoạt động của phòng hóa nghiệm và kiểm định chất lượng sản phẩm. Giá khởi điểm của toàn bộ lô tài sản bảo đảm này là hơn 24,5 tỷ đồng.
Vietcombank cũng rao bán tài sản bảo đảm của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Cỏ Ngọc là thửa đất 68,5 m2 nằm tại số 46/2 Đường Trần Quang Diệu, Phường 13, Quận 3, TP HCM cũng được rao bán với giá khởi điểm hơn 8,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vietcombank cũng đang rao bán nhiều tài sản động sản là xe ô tô, thiết bị máy móc, tàu cá,...
Theo báo cáo tài chính quý III/2021, nợ xấu nội bảng của Vietcombank đến cuối tháng 9 đã lên mức 10.884 tỷ đồng, tăng 108% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đột ngột tăng mạnh, cụ thể, nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.122 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần chỉ trong quý 3 và so với đầu năm đã tăng tới 14 lần. Đồng thời, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Vietcombank cũng tăng 122% trong 9 tháng đầu năm lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng và chiếm 58% trong cơ cấu nợ xấu của Vietcombank.
Sau thời gian dài duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, chỉ loanh quanh 0,6-0,8%; đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank đã lên 1,16%.