MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank sẽ thoái vốn khỏi MB và Eximbank đầu năm tới, dự kiến lãi 1.000 tỷ

12-11-2017 - 21:38 PM | Tài chính - ngân hàng

Thông tin này vừa được ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank chia sẻ với chúng tôi. Ngân hàng cũng sẽ thoái vốn tại 3 tổ chức tín dụng là OCB, Saigonbank và Tài chính Xi Măng trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Ông Thành cho biết, Vietcombank hiện còn vốn ở hơn 2 tổ chức tín dụng, mà cụ thể là 5 đơn vị. Trong đó, vốn ở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Công ty Tài chính cổ phần Xi măng là không đáng kể, mỗi nơi khoảng trên dưới 100 tỷ đồng. Sở hữu của ngân hàng này ở MB và Eximbank mới đáng lưu ý.

Ngân hàng dự định thoái vốn khỏi 3 tổ chức tín dụng là Saigonbank, OCB và Tài chính Xi Măng trong thời gian còn lại của năm 2017.

Còn MB, trước đây ngân hàng có kế hoạch giữ lại vì đó là một ngân hàng kinh doanh rất tốt; Eximbank thì được NHNN khuyến nghị giữ lại để hỗ trợ ngân hàng này tái cơ cấu. Tuy nhiên, đến thời điểm này ngân hàng Vietcombank quyết định sẽ không giữ lại vốn ở đơn vị nào mà tiến hành thoái vốn toàn bộ.

“Dự kiến tháng 1/2018 chúng tôi sẽ bán hết vốn ở Eximbank và MB, với khoản lợi nhuận thu về từ hai thương vụ này khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Thành tự tin nói.

“Với 3 tổ chức tín dụng kia, chúng tôi đã muốn làm từ lâu nhưng thanh khoản còn yếu, giá cũng chưa được như kỳ vọng, dẫu vậy vẫn phải triển khai”, chủ tịch Vietcombank cho biết và nói thêm rằng việc thoái vốn khỏi nhóm này cũng không bị lỗ.

Theo số liệu mới nhất, Vietcombank đang nắm hơn 126 triệu cổ phần của ngân hàng MB, tương đương 6,97% vốn điều lệ. Trong khi đó tỷ lệ sở hữu ở Eximbank là hơn 8,2% tương đương với trên 101 triệu cổ phiếu. Ở Tài chính Xi Măng, Vietcombank sở hữu hơn 10,9% vốn còn với OCB và Saigonbank tỷ lệ là chưa đến 5%.

Thông tư số 36 của Ngân hàng Nhà nước quy định, mỗi tổ chức tín dụng không được sở hữu vốn ở quá 2 tổ chức tín dụng và ở mỗi nơi cũng không được quá 5%. Vietcombank là một trong các trường hợp hiếm hoi còn duy trì sở hữu ở hơn 2 tổ chức tín dụng cho đến thời điểm này.

Ngoài ra, Vietcombank còn là đang là ngân hàng tham gia hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng (CB) theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước sau khi ngân hàng đó bị mua lại 0 đồng. Theo người đứng đầu Vietcombank, ngân hàng cũng đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu đối với ngân hàng CB với lộ trình khoảng 3 năm và đang trình lên cơ quan quản lý để phê duyệt.

Trở lại với việc thoái vốn, mới đây Vietcombank đã có thông báo sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ hơn 13,2 triệu cổ phiếu Saigonbank đang sở hữu, tương đương 4,3% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phiếu vào ngày 20/11/2017. Đồng thời ngân hàng cũng bán toàn bộ 6,6 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại Tài chính Xi Măng với giá khởi điểm 11.549 đồng/cổ phiếu trong phiên đó.

Tính toán của chúng tôi cho thấy, với mức giá khởi điểm nói trên, Vietcombank sẽ thu về khoảng 165 tỷ đồng với khoản đầu tư tại SaigonBank và 76 tỷ đồng từ Tài chính Xi măng. Tính đến 31/12/2016, giá trị sổ sách của hai khoản đầu tư trên lần lượt là 123 tỷ đồng và 71 tỷ đồng, nếu đấu giá thành công thì Vietcombank có khoản lãi khoảng hơn 47 tỷ.

Trên thị trường, Vietcombank đang là ngân hàng dẫn đầu về kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đã đạt hơn 7.900 tỷ đồng, bằng với 86% kế hoạch đã được Đại hội cổ đông thông qua cho cả năm 2017 và bỏ xa các ngân hàng nhóm sau.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên