MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietcombank (VCB) lập đỉnh mọi thời đại, vốn hóa vượt tổng BIDV và Vietinbank cộng lại

Vietcombank (VCB) lập đỉnh mọi thời đại, vốn hóa vượt tổng BIDV và Vietinbank cộng lại

So với vùng đáy giá tháng 11/2022, vốn hóa thị trường Vietcombank đã tăng thêm 160.900 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), đạt 454.321 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầy khởi sắc với việc tăng hơn 12 điểm nhờ đầu kéo là nhóm cổ phiếu ngân hàng, đáng chú ý nhất là cổ phiếu Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (VCB). Thị giá kết phiên lập đỉnh cao mọi thời đại, tăng 3,2% lên mức 96.000 đồng/cp.

So với vùng đáy giá tháng 11/2022, vốn hóa thị trường Vietcombank đã tăng thêm 160.900 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), đạt 454.321 tỷ đồng.

Vietcombank (VCB) lập đỉnh mọi thời đại, vốn hóa vượt tổng BIDV và Vietinbank cộng lại - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu VCB lập kỷ lục

Để hình dung về sự bứt phá của đà tăng trưởng cổ phiếu đầu ngành ngành, vốn hóa Vietcombank hiện tại đã gấp đôi con số của ngân hàng xếp ngay sau là NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV (227,6 nghìn tỷ đồng). Thậm chí, n ếu lấy vốn hóa BIDV cộng thêm vốn hóa Vietinbank (143,7 nghìn tỷ đồng) thì con số tổng vẫn chưa thể bằng giá trị thị trường của Vietcombank.

Những cái tên dẫn đầu về mặt vốn hóa trên sàn chứng khoán còn có bộ đôi Vingroup và Vinhomes với giá trị lần lượt 226,4 nghìn tỷ và 210,5 nghìn tỷ. Riêng ngành ngân hàng, ngoại trừ ba “ông lớn” kể trên, ngân hàng có giá trị niêm yết lớn còn có VPBank (VPB – 124,75 nghìn tỷ đồng), Techcombank (TCB – 98,3 nghìn tỷ đồng)…

Vietcombank (VCB) lập đỉnh mọi thời đại, vốn hóa vượt tổng BIDV và Vietinbank cộng lại - Ảnh 2.

Thông tin tích cực nhất hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu VCB có lẽ là con số lợi nhuận quý 4/2022 vừa công bố. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank trong quý cuối năm đạt 12.419 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ 2021. Đây là mức lãi kỷ lục trong một quý của Vietcombank và đóng góp 1/3 tổng lợi nhuận cả năm. Mức lãi này cũng vượt qua lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng tư nhân lớn như Sacombank (6.339 tỷ đồng), TPBank (7.828 tỷ đồng), SHB (9.658 tỷ đồng), HDBank (10.286 tỷ đồng), VIB (10.581 tỷ đồng).

Vietcombank (VCB) lập đỉnh mọi thời đại, vốn hóa vượt tổng BIDV và Vietinbank cộng lại - Ảnh 3.

Với kết quả tích cực trên, lợi nhuận lũy kế cả năm Vietcombank đạt gần 37.359 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2021 và vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trong đó, phần thu nhập lãi thuần tăng gần 11.000 tỷ và giảm chi phí dự phòng rủi ro hơn 2.000 tỷ đồng.

Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống trong năm thứ 5 liên tiếp, bỏ xa hai nhà băng đứng kế sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng).

Trong năm 2022, tổng tài sản tăng 28,2% vượt 1,814 triệu tỷ đồng, ghi nhận là nhà băng có tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất. Ba động lực chính giúp tài sản Vietcombank mở rộng mạnh mẽ đến từ: 1) Cho vay khách hàng; 2) Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác và 3) Tiền gửi tại NHNN. Nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6% so với hồi đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 317% tại thời điểm 31/12/2022.

Mới đây, Vietcombank đã tiếp tục lọt vào bảng Banking 500 2023 Ranking xếp hạng bởi Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance.

Vietcombank cũng đã công bố tờ trình bổ sung về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại, dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ ngân hàng sẽ tăng thêm 58,4%, từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.

Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023, 2024.

Ngân hàng có quan điểm thận trọng, chất lượng tài sản hàng đầu trong ngành ngân hàng Việt Nam

Theo đánh giá của SSI Research, với những biến động gần đây trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay những thị trường này ở mức thấp, có nhận diện thương hiệu tốt cùng bộ đệm tín dụng vững chắc là sự lựa chọn hàng đầu. Vietcombank là một trong số những ngân hàng đó nhờ hoạt động cho vay thận trọng và quản lý rủi ro chặt chẽ. Ngân hàng này cũng có thể được hưởng lợi phần nào từ việc khách hàng gửi tiền chuyển sang những ngân hàng lớn uy tín hơn, do đó giảm bớt áp lực NIM trong ngắn hạn. Bộ đệm tín dụng mạnh của ngân hàng sẽ cho phép Vietcombank tránh được những cú sốc đột ngột đối với bảng cân đối kế toán.

Việc phát hành cổ phiếu tương đương với 6,5% vốn điều lệ trước phát hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng của ngân hàng trong trung

hạn. Mặt khác, Thông tư 26 cũng sẽ có tác động tích cực và mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước như Vietcombank khi tỷ lệ LDR mới giảm đáng kể.

SSI dự báo tăng trưởng LNTT tại Vietcombank sẽ cao hơn mức trung bình ngành, đạt mức 18% so với cùng kỳ trong năm 2023.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên