VietinBank “khát” vốn lắm rồi!
“Room” ở VietinBank đã cạn khi tỷ lệ sở hữu của Nhà nước ở mức tối thiểu và ngân hàng cũng đã có tới 30% vốn thuộc sở hữu nước ngoài. Việc tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung vào CAR đang rất cấp bách vì CAR hiện tại đã về gần mức an toàn tối thiểu.
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước mới cập nhật, vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8/2017 đạt hơn 505 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45% so với đầu năm.
Chuyện tăng vốn của các ngân hàng cổ phần tư nhân đã dễ dàng hơn trong thời gian qua khi nhiều nhà băng có được sự đồng thuận của cổ đông cũng như tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược để nâng cao năng lực tài chính. Đến cuối tháng 8, tổng vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này đạt hơn 206 nghìn tỷ đồng cùng mức tăng trưởng gần 2,9%.
Tuy nhiên bài toán vốn của ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn còn rất nan giải. Bằng chứng là từ đầu năm tới nay, dù rất nỗ lực, đã vận dụng nhiều biện pháp nhưng các ngân hàng chưa thể xoay chuyển được tình thế, mức tăng trưởng vốn điều lệ của 7 ngân hàng chưa đạt nổi 1% và tổng vốn hiện mới hơn 147 nghìn tỷ.
Trong khi đó, thời gian áp dụng Basel II đang đến ngày càng gần, nhóm các ngân hàng có vốn chi phối của Nhàn nước là VietinBank, Vietcombank và BIDV lại là những người cần phải phải bổ sung vốn nhiều nhất để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Tính đến 31/8, hệ số CAR của cả nhóm 7 ngân hàng (gồm 3 ngân hàng nói trên, Agribank và 3 ngân hàng 0 đồng) mới dừng ở mức 9,69% trong khi yêu cầu tối thiểu là 9%. Tính toán của các chuyên gia cho thấy, nếu theo Basel II, cách tính CAR hiện hành của Việt Nam có thể giảm tới 2-3%, có nghĩa là CAR của nhóm ngân hàng này còn lâu mới đáp ứng được mức yêu cầu tối thiểu theo chuẩn quốc tế.
Chia sẻ với người viết bên lề Quốc hội tuần trước, ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, trong số 3 ngân hàng thương mại nhà nước thì VietinBank đang nằm ở thế khó khăn nhất.
“Vấn đề nâng cao năng lực tài chính với VietinBank đang hết sức cấp bách” ông Thắng nói và bổ sung thêm rằng vì VietinBank là ngân hàng TMCP Nhà nước duy nhất đã áp dụng tất cả các biện pháp để tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính.
Cụ thể, VietinBank thoái vốn Nhà nước chỉ còn 64,5% - hết room cho phép của Chính phủ, cũng đã bán hết 30% vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Ngoài ra ngân hàng cũng đã huy động vốn trái phiếu thứ cấp trên thị trường kịch giới hạn cho phép.
“Đối với VietinBank hiện chỉ còn cách duy nhất là các cổ đông góp vốn vào để cùng tăng vốn” – chủ tịch ngân hàng nói.
Cũng theo ông Thắng, Ngân hàng đã gần như chạm ngưỡng an toàn tối thiểu (chỉ ở mức 9,25% trong khi quy định của NHNN là 9%), do vậy năm 2018 việc tăng vốn điều lệ, vốn tự có, tăng năng lực tài chính là mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngân hàng, bởi nếu không tăng được vốn thì các kế hoạch kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng, đầu tư và tín dụng cho nền kinh tế chắc chắn bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết thêm, VietinBank đang trình NHNN, Bộ Tài chính và Chính phủ phương án Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính cho phép dành một nguồn vốn nào đó để tăng vốn cùng các cổ đông lớn là IFC và Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ.
Đề cập đến việc ngân hàng có tính toán thêm các phương án nha là nhận sáp nhập một ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào đó để đẩy nhanh việc tăng vốn hay không, (như là đang triển khai nhận PGBank), ông Thắng cho biết việc hợp nhất hay sáp nhập đều cần phải có thời gian nhất định, ngân hàng này cũng có tính toán đến. Tuy nhiên do vấn đề vốn đã cấp bách lắm rồi nên phương án khả thi nhất và bắt buộc phải làm trong năm 2018 là các cổ đông cùng góp vốn hỗ trợ cho VietinBank.
Trí Thức Trẻ