VietinBank muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 66.000 tỷ đồng
Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - CTG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Ban lãnh đạo VietinBank cho biết ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao năm 2022. Trong đó, tổng tài sản cuối năm 2022 đạt hơn 1,8 triệu tỷ, tăng trưởng 18% so với năm 2021, trong khi kế hoạch là tăng trưởng 5-10%. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng theo Thông tư 11 là 1,08%, giảm so với mức 1,14% năm 2021. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 20.353 tỷ đồng, tăng 20,7%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.946 tỷ, tăng trưởng 19%.
Ngân hàng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng đẩy mạnh phân khúc bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó, tỷ trọng dư nợ bình quân 2 phân khúc này tăng từ 58,6% năm 2021 lên 63,1% tổng dư nợ năm 2022.
Về huy động vốn, nguồn vốn CASA được cải thiện, tăng 7,1% so với cuối năm 2021, tỷ lệ CASA trên tổng nguồn vốn huy động được duy trì ở mức 20% trong bối cảnh cạnh tranh CASA giữa các nhà băng ngày càng quyết liệt, qua đó hỗ trợ tích cực trong việc kiểm soát chi phí vốn của VietinBank.
Tại Đại hội, VietinBank trình ĐHĐCĐ kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản năm 2023 tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách tín dụng của NHNN trong từng thời kỳ.
Kế hoạch lợi nhuận trước thuế chưa có con số cụ thể mà sẽ theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Dùng 12.330 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu
VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ, thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng thì tỷ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ, thì tỷ lệ chia cổ tức là 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Bầu bổ sung thành viên HĐQT
Tại Đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông việc miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, ngân hàng miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Masahiko Oki theo đề nghị của MUFG từ ngày 2/6/2023. Đồng thời, bầu ông Koji Iriguchi tham gia HĐQT từ 2/6. Ông Koji Iriguchi hiện là Đồng Trưởng phòng Kế hoạch và Quản trị tài chính, Khối tài chính kiêm Đồng Trưởng ban chiến lược và quản trị thay đổi, Văn phòng HĐQT VietinBank.
Phần thảo luận:
Cổ đông: Các kết quả kinh doanh chính trong quý 1/2023 của VietinBank ra sao?
Ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT: Năm 2023, thị trường chung vẫn còn xấu, tình hình vĩ mô toàn cầu nhiều biến động khó lường. Việc tăng, giảm lãi suất của FED vẫn còn khó đoán, chưa có kịch bản rõ ràng.
Thách thức của Việt Nam cũng lớn, như động lực tiêu dùng, FDI, đầu tư công, xuất nhập khẩu đều gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình không chắc chắn như vậy, VietinBank đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh từ sớm, chủ động nhận diện các vấn đề và liên tục kiểm tra, điều chỉnh phù hợp.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản tăng 0,9%, đạt hơn 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng trưởng 4,6%. VietinBank thuộc một trong các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất. Các nhóm khách hàng tập trung của ngân hàng gồm SME, FDI, DN nhà nước lớn.
Chúng tôi rất chắt chiu nguồn vốn, cố gắng tăng trưởng vốn giá rẻ. Tín dụng có thể tăng trưởng không cao nhưng phải luôn đảm bảo an toàn hiệu quả để đảm bảo tỷ lệ thanh khoản.
Nhìn chung kết quả kinh doanh quý 1 của VietinBank đạt và vượt kế hoạch. Năm nay, chúng tôi dự kiến lợi nhuận tăng 10-15%, tuy nhiên đang xin phê duyệt chính thức từ Ngân hàng Nhà nước.
VietinBank không chỉ xây dựng kế hoạch theo từng năm mà chiến lược nhiều năm.
Ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT: Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong quý 1 năm nay rất thấp nhưng tín dụng tại VietinBank là điểm sáng. Tính đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng (cả cho vay khách hàng + trái phiếu doanh nghiệp) tăng 4,6%, gần gấp đôi tăng trưởng chung toàn ngành.
Room tín dụng mà VietinBank được cấp năm 2022 là 12,47% và năm 2023 trong giai đoạn đầu là 8,7%.
Ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT: Tỷ lệ nợ xấu hiện tại cuối quý chỉ 1,28%, duy trì ở mức tốt. Chí phí rủi ro tín dụng khoảng 6.700 tỷ đồng.
Mọi hoạt động quản trị rủi ro tín dụng đang được tăng cường. Chủ trương của VietinBank là thận trọng, trích lập dự phòng đầy đủ, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu. Đối với tình hình chuyển nợ của doanh nghiệp, chúng tôi đang kiểm soát chặt chẽ, dư nợ chuyển CIC không có biến động lớn trong quý 1.
Cổ đông: Hiệu suất phân khúc Banca tại Vietinbank đang như thế nào? NH có sáng kiến nào để cải thiện doanh số bán hàng mảng này?
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó TGĐ phụ trách điều hành: Bancassurance là hoạt động bình thường trong các ngân hàng thương mại. Riêng VietinBank năm 2022 là một năm bản lề trong hoạt động bancassurance. Đối với mảng nhân thọ là năm đầu hợp tác Manulife và mảng phi nhân thọ, công ty bảo hiểm VietinBank (VBI) cũng có sự kiện toàn nhân sự cấp cao, điều chỉnh về phương thức triển khai hoạt động.
Trong hoạt động bảo hiểm, chúng tôi luôn đặt khách hàng làm trung tâm, lấy lợi ích khách hàng là mục tiêu, công khai minh bạch để khách hàng tự lựa chọn tham gia hay không tham gia bảo hiểm.
Cuối năm 2022, VietinBank đứng thứ 9/25 về mảng chéo bản hiểm trong số các ngân hàng. Kết quả kinh doanh bảo hiểm đóng góp 26% thu phí cho ngân hàng trong năm 2022. Riêng quý 1/2023, tình hình có một số khó khăn do thị trường chung, cũng do một số NH khác kinh doanh không đúng, khiến bộ phận lớn cộng đồng có góc nhìn không tốt với bảo hiểm.
Với 15 triệu khách hàng, số khách hàng VietinBank tham gia bảo hiểm nhân thọ mới chỉ 40.000 người, tức tỷ lệ thâm nhập còn rất thấp. Như vậy dư địa cho VietinBank tăng trưởng mảng này còn rất lớn.
Chúng tôi có bộ máy kiểm soát nội bộ để đánh giá việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, luật pháp. Nhờ vậy, chúng tôi chưa nhận phản hồi tiêu cực nào của khách hàng, cơ quan báo chí hay cơ quan giám sát về lĩnh vực này.
VietinBank sẽ cùng đối tác bảo hiểm thực hiện các chương trình lắng nghe khách hàng để thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình được cổ đông thông qua.
Nhịp sống thị trường