MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietjet Air mua 100 máy bay, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có nhà máy sản xuất linh kiện cho Boeing?

28-11-2017 - 13:32 PM | Doanh nghiệp

Lý do mở nhà máy được ông Kim cho biết xuất phát từ hãng hàng không Vietjet Air đã có hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing. Với Boeing, hãng hàng không nào đặt mua nhiều máy bay thì sẽ ưu tiên mở nhà máy tại nước sở tại của hãng đó.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa tin, trong cuộc trao đổi với lãnh đạo Tp.HCM ngày 27/11, ông Eugene Kim, chủ tịch Công ty Huneed Technologies cho biết công ty này có thể thành lập một nhà máy chuyên sản xuất dây điện cung cấp cho hãng máy bay Boeing tại đây. Hiện Huneed đang tham gia một cuộc thi cung cấp thiết bị cho hãng máy bay này và nếu thắng sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam, cụ thể là khu công nghệ cao Tp.HCM.

Lý do mở nhà máy được ông Kim cho biết xuất phát từ hãng hàng không Vietjet Air đã có hợp đồng mua 100 máy bay với Boeing. Hợp đồng ký kết này diễn ra vào ngày 23/5/2016, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama với trị giá tới 11,3 tỉ USD. Bên cạnh đó phía Boeing, hãng hàng không nào đặt mua nhiều máy bay thì sẽ ưu tiên mở nhà máy tại nước sở tại của hãng đó.

Về Huneed Technologies được thành lập năm 1968, là nhà phát triển và sản xuất linh kiện máy báy và hệ thống liên lạc quân sự của Hàn Quốc. Hãng này hiện là đối tác với nhiều hãng hãng máy bay trong nước cũng như trên thế giới như Airbus Defense & Space, Airbus Helicopters, Safran, Hàng không Hàn Quốc, Northrop Grumman và các lực lượng vũ trang Hàn Quốc.

Trước Huneed cũng có một số công ty đặt nhà máy sản xuất linh kiện cho Boeing tại Việt Nam như công ty cổ phần công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) của Nhật Bản. Cụ thể MHI có nhà máy láp ráp cửa cho máy bay Boeing 777 tại khu công nghiệp Thăng Long Hà Nội. Công ty con của MHI, MHIVA cũng là doanh nghiệp đầu tiên triển khai sản xuất các bộ phận cho máy bay thương mại ở Việt Nam.

MHIVA có nhà máy sản xuất cánh tà cho Boeing 737 cũng tại khu công nghiệp này. Tuy nhiên hiện công nhân Việt Nam chỉ đảm nhận việc lắp ráp các chi tiết cánh tà, cửa được sản xuất ở Nhật thành bộ phận, sau đó chúng được chuyển sang nhà máy của Boeing tại Mỹ để lắp ráp vào máy bay.

Một công ty Nhật Bản khác cũng có nhà máy sản xuất linh kiện Boeing đặt tại Việt Nam là Nikkiso. Linh kiện công ty này sản xuất là bộ thiết bị cửa chốt cho công ty Spirit AeroSystems (Mỹ). Đây là một bộ phận chính sử dụng trong động cơ máy bay Boeing 777. Nikkiso hoạt động từ 2010 đặt trụ sở tại Hưng Yên.

Mới nhất là hồi tháng 9, Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) vừa khởi công Dự án nhà máy sản xuất cấu kiện, linh kiện động cơ máy bay Hanwha Aero Engines tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Dây chuyền đầu tiên của Hanwha Techwin dự kiến đi vào hoạt động cuối tháng 4/2018 và cả 3 nhà máy tại Hòa Lạc vào năm 2022.

Tại KCN Biên Hòa II cũng có 1 công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử như mô tơ điện, bộ cảm biến điện, biến thế, những hộp điện tử cho máy bay chuyên dụng của hãng Airbus, Boeing. Công ty này là công ty TNHH Artus, do Pháp đầu tư, toàn bộ quy trình kỹ thuật, chuẩn kiểm tra chất lượng do Artus đứng ra chịu trách nhiệm.

Nhiều chuyên gia nhận định dù hiện Việt Nam chỉ đóng vai trò gia công lắp ráp nhưng về lâu dài những nhà máy này sẽ tác động vào nền kinh tế Việt Nam bởi sản xuất của nhà máy được tính là đóng góp cho GDP Việt Nam. Cũng như tác động vào nhân lực Việt Nam từ trình độ, lương bổng đến đào tạo nhân lực. Ngoài ra về lâu dài cũng sẽ có tác động vào nghiên cứu khoa học.

Theo Thảo Nguyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên