VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất: “Miếng mồi béo bở” không ai muốn buông
Đây là thời điểm ăn nên làm ra của dịch vụ mặt đất sân bay. Vì thế, việc buông bỏ "miếng mồi béo bở" nhường lại cho các hãng hàng không tự phục vụ là điều khó được chấp nhận...
Nhìn vào lợi nhuận các công ty chuyên phục vụ mặt đất tại các cảng hàng không thu về đủ để hiểu đây là miếng mồi béo bở không thực sự dễ buông.
VietJet Air xin tự được phục vụ
Mới đây, hãng hàng không VietJet Air có văn bản xin phép Cục Hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020.
Theo VietJet, hiện nay tại Nội Bài, hãng này đang khai thác 18 máy bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế với trung bình 150 chuyến bay/ngày. Số lượng máy bay và chuyến bay sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Do đó, VietJet xin được tự phục vụ mặt đất cho các công đoạn chuẩn bị chuyến bay như một số hãng khác thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất.
Việc này nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ theo kế hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài. Hãng tự phục vụ sẽ tránh được tình trạng máy bay hạ cánh nhưng xe thang của đơn vị phục vụ mặt đất bận phục vụ máy bay hãng khác khiến khách phải ngồi chờ trên máy bay.
Trao đổi thêm với VnEconomy, đại diện VietJet Air cho rằng: Chất lượng dịch vụ mặt đất quá kém, trong khi đó, mọi phàn nàn của khách hàng hãng đều phải hứng chịu dẫn đến mất uy tín với khách hàng. Chưa kể việc độc quyền dịch vụ mặt đất đẩy các hãng vào tình thế phải cạnh tranh lẫn nhau, thậm chí, phải "chạy" quầy bán vé, sân đỗ, nơi đón trả khách...
Dịch vụ mặt đất - lợi nhuận trên trời
Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV nắm 20% vốn điều lệ. Còn tại Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn, ACV nắm 48%.
Các dịch vụ mà hai công ty này cung cấp cho hàng chục hãng hàng không trong nước và quốc tế như: Dịch vụ phục vụ hành khách đi, đến, thủ tục hành lý, thiết bị phục vụ hành khách trên sân đỗ như xe thang, chất dỡ hành lý, xe phục vụ tổ bay, xe chung chuyển hành khách, hành lý…
Chỉ riêng việc phục vụ mặt đất trọn gói cho các hãng hàng không đã giúp SAGS thu về 1.288 tỷ đồng trong năm 2018; tăng trưởng 16% so với năm 2017 và vượt kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt 263 tỷ đồng, vượt 18% so với kế hoạch.
Phía lãnh đạo SAGS cho biết, doanh thu vượt kế hoạch phụ thuộc vào các yếu tố hãng hàng không Vietjet Air chuyển dịch cơ cấu máy bay từ A320 sang tàu bay lớn hơn A32; hãng hàng không Qatar Airways tăng tuần suất khai thác; hãng Asiana Airlines Cargo khai thác trở lại, chi nhánh Đà Nẵng có thêm các khách hàng mới: Qatar Airways, Air Seoul, Thai Vietjet Air, Okay Airways và sự phát triển mạnh của các dịch vụ phi hàng không.
Năm 2019, SAGS đặt kế hoạch doanh thu 1.430 tỷ đồng; tăng 11%, lợi nhuận sau thuế đạt 285 tỷ đồng; tăng 8,4% so với năm 2018.
Với đà kinh doanh tăng trưởng mạnh, dù mới đi hết nửa năm 2019, SAGS đã đạt 53% chỉ tiêu doanh thu và 90% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đề ra. Doanh thu 6 tháng năm 2019 đạt 753,7 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018; lợi nhuận đạt 172 tỷ đồng, tăng 7,5%.
Kết quả kinh doanh của SAGS.
Không ấn tượng như SAGS song với việc cung cấp dịch vụ cho các hãng hàng không lớn cũng đem về cho Công ty Cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội lợi nhuận 72,4 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 6% so với năm 2017.
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam sẽ trở thành thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035. Còn ở trong nước, tỷ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam đang tăng nhanh. Với dân số gần 100 triệu người, hàng không nội địa Việt Nam được IATA dự báo sẽ tăng trung bình 15%/năm trong thời gian tới.
Dựa vào tiềm năng lớn như vậy, ngành dịch vụ mặt đất với các dịch vụ như suất ăn hàng không, bán hàng miễn thuế, nhà hàng tại khu vực cách ly đều tăng trưởng mạnh nhờ khách quốc tế.
Một chuyên gia trong ngành nhận định: "Đây là thời điểm ăn nên làm ra của dịch vụ mặt đất sân bay. Vì thế, việc buông bỏ "miếng bánh" nhường lại cho các hãng hàng không tự phục vụ là điều khó được chấp nhận bởi các công ty chuyên phục vụ mặt đất".
Trên thực tế, ngay sau khi Vietjet có đề xuất trên, Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) và Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cùng có báo cáo "than vãn" với Cục Hàng không. Các công ty này cho rằng, nếu Vietjet được tực phục vụ mặt đất sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của họ bị sụt giảm dẫn đến cắt giảm 50% nhân sự.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục hàng không cho rằng: Đây là vấn đề mà Vietjet muốn tự chủ để tăng cường tính chuẩn xác giờ phục vụ hành khách hơn. Tuy nhiên, Cục Hàng không còn phải căn cứ vào rất nhiều nội dung và quy định khác nữa để xem xét. Việc này, Cục hàng không sẽ phải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải chứ không thể tự quyết định được việc này.
VnEconomy