Vietjet hiến kế thu hút khách du lịch đến Việt Nam
Một du khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu trung bình 2,3 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, mức chi tiêu bình quân trong ngày của họ tại Thái Lan là 3,8 triệu đồng và tại Singapore là 7,7 triệu đồng.
Con số nói trên được ông Lê Quang Tùng – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch đưa ra tại Hội thảo chuyên đề Du lịch diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019. Nó cho thấy thực trạng khách quốc tế chưa "chịu chi" khi du lịch tại đất nước chữ S nổi tiếng về cảnh thiên nhiên tươi đẹp với 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Tham gia hội thảo, đại diện của CTCP Hàng không Vietjet đã đề xuất những thay đổi về chính sách visa và xây dựng hạ tầng hàng không để cải thiện tình trạng nói trên.
"Chi phí xin visa 580.250đ/người không lớn, nhưng khiến cho khách du lịch cảm thấy mất thời gian"
Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng nhanh trong những năm qua. Nhưng cho đến năm 2018, tổng lượng khách quốc tế vẫn thấp so với một số nước trong khu vực như Thái Lan (38 triệu), Malaysia (25 triệu), Singapore (18,5 triệu), Indonesia (15,8 triệu).
Như đã nhắc đến ở trên, khách quốc tế chi tiêu khiêm tốn tại Việt Nam là một hạn chế của ngành du lịch. Nhưng không chỉ vậy, con số thống kê cũng cho biết, tỷ trọng của khách du lịch từ các thị trường chi tiêu cao có xu hướng giảm dần từ 2015. Du khách Bắc Mỹ đã giảm từ 7,6% xuống còn 5,8%, khách châu Âu giảm từ 14,6% xuống 13,1% trong khi khách châu Á tăng mạnh.
Đồng thời, khách du lịch đến Việt Nam cũng lưu trú ngắn ngày hơn so với các quốc gia trong khu vực. Và tỷ lệ khách quay lại Việt Nam cũng thấp hơn hẳn so với Thái Lan.
Chính sách cấp thị thực là một trong những vấn đề nổi cộm nhất được các doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi với kỳ vọng đưa ngành du lịch Việt Nam bứt phá. Nhiều ý kiến đề xuất miễn thị thực visa cho nhiều quốc gia, đặc biệt là miễn 5 đến 10 năm với người có thu nhập cao, những người đi du lịch, công tác thường xuyên; nâng thời gian lưu trú từ 15 ngày như hiện tại lên 30 ngày, thậm chí dài hơn.
Ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet dẫn chứng, Singapore hiện nay đã miễn visa cho gần 80% quốc gia trên thế giới với thời hạn lưu trú trong khoảng 30-90 ngày, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia miễn thị thực cho công dân 162 nước; Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước; Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước...
Những thị trường du lịch nước ngoài đang thu hút mạnh mẽ người Việt Nam trong thời gian gần đây như Đài Loan và Hàn Quốc cũng nhờ chính sách cởi mở về visa. Đài Loan đã miễn visa cho tất cả các công dân đã từng được cấp visa vào khối liên minh Châu Âu, Mỹ hay Nhật. Hàn Quốc vừa qua đã thông qua chính sách cấp thị thực 5 năm cho công dân Việt Nam có hộ khẩu tại thành phố Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng và không bị giới hạn số lần nhập cảnh với lý do là những thành phố "có thu nhập tương đối cao".
Trong khi đó, Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 nước và chưa có chính sách cấp visa linh hoạt cho những đối tượng có thu nhập cao.
"Có nhiều ý kiến cho rằng việc miễn visa có thể gây ảnh hưởng tới an ninh hoặc làm thất thu ngân sách nhưng tôi cho rằng, việc mở cửa visa cho khách du lịch sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn rất nhiều." – Ông Phương khẳng định.
Thực tế đã chứng minh lượng khách du lịch tại các nước như Anh, Đức, Tây Ban Nha tăng 15-20% mỗi năm kể từ khi visa được miễn, cho thấy sự đột phá về chính sách miễn visa đã tác động đến khách du lịch. Tại Hàn Quốc, khách du lịch tăng 44,3% trong năm 2018 sau chính sách miễn visa.
Theo ông Phương, chi phí xin visa 580.250đ /người không lớn, nhưng khiến cho khách du lịch cảm thấy mất thời gian khi phải làm thủ tục. Việc miễn visa sẽ giúp khách quốc tế tiết kiệm được thời gian, tăng sức thu hút của du lịch Việt Nam.
"Chúng tôi kiến nghị cần bãi bỏ quy định "mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày" và tăng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày cho các nước đã được miễn visa để khuyến khích khách du lịch tham gia các tour dài hơi hơn tại Việt Nam và tăng nguồn thu từ chi tiêu mua sắm của du khách." – Phó TGĐ của Vietjet nói.
"Cấp visa nhanh nhưng hành khách đã ra khỏi sân bay nhanh chưa?"
Sau câu chuyện về chính sách cấp thị thực, ông Đinh Việt Phương tiếp tục đặt ra câu hỏi về hạ tầng hàng không. Theo ông Phương, nếu hãng hàng không tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch như cây cầu kết nối du khách với các điểm đến, đặc biệt là du khách quốc tế thì cảng hàng không sẽ là sản phẩm dịch vụ đầu tiên và cuối cùng được du khách trải nghiệm tại điểm đến đã lựa chọn.
Số liệu Vietjet đưa ra cho hay, trong giai đoạn 05 năm (2014-2018), sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đã tăng trưởng hơn 103%. Năm 2014, ngành hàng không vận chuyển 51 triệu lượt hành khách, năm 2018 là 103 triệu lượt, tăng trưởng trung bình đạt 19,3%/năm.
Tuy nhiên, tổng công suất thiết kế của hệ thống 22 cảng hàng không chỉ tăng 27%. Năm 2014, tổng công suất thiết kế là 69 triệu lượt và năm 2018 là 88 triệu lượt hành khách, tăng trưởng trung bình đạt 6,2%/năm.
Như vậy, từ chỗ năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng cảng hàng không vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu, sau 5 năm đầu tư phát triển thiếu đồng bộ với tăng trưởng mạnh mẽ của ngành vận tải hàng không, đến nay sự thiếu hụt về hạ tầng đã và đang là một cản trở lớn đối với sự phát triển của toàn Ngành hàng không.
Có thể thấy, cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng; Cảng HKQT Nội Bài, Cát Bi, Phú Quốc cũng đã chạm ngưỡng tới hạn của công suất thiết kế và dự báo tình trạng quá tải thường xuyên sẽ xảy ra trong thời gian gần sắp tới, mặc dù đã được đầu tư xây dựng mới trong thời gian qua.
Theo đó, việc nâng cao chất lượng hạ tầng hàng không là điều quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch quốc gia, tạo ra một Ngành du lịch Việt Nam đặc sắc, đồng bộ, chất lượng cao.
Phó TGĐ của Vietjet cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn thì sự tham gia của kinh tế tư nhân vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không cần được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm tạo ra những cảng hàng không có chất lượng dịch vụ tốt, có sức cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực.
Theo đó, Vietjet kiến nghị, trong ngắn hạn, Chính phủ cần rà soát các quy hoạch và hiện trạng khai thác tại toàn bộ các cảng hàng không đang khai thác. Qua đó xác định quy mô và sớm triển khai đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tính cấp bách để giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng tại nhiều cảng hàng không trên cả nước.
Trong trường hợp ngân sách khó khăn, có thể kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia góp vốn cùng Nhà nước hoặc đầu tư toàn bộ.
Về dài hạn, Vietjet kiến nghị Chính phủ kiện toàn hệ thống văn bản pháp lý về đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không nhằm tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng đối với tất cả các thành phần kinh tế; Xây dựng các cơ chế ưu đãi, giảm các thủ tục hành chính liên quan nhằm khích lệ và thu hút nhiều hơn các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Bên cạnh đó, cần lập quy hoạch phát triển dài hạn kết cấu hạ tầng hàng không. Việc này cần thuê các đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín nhằm đảm bảo tính độc lập và chính xác trong kết quả tư vấn cũng như sự hợp lý trong dài hạn.
"Tôi tin rằng nếu chúng ta mở cửa visa, cải thiện hạ tầng hàng không, tăng cường chất lượng dịch vụ thì Việt Nam sẽ là điểm đến của không chỉ khách du lịch đơn thuần mà kéo theo sự phát triển của các ngành dịch vụ khác như bất động sản nghỉ dưỡng, logistics, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân đảm bảo an ninh xã hội" – Ông Phương khẳng định.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không đánh giá cao vai trò của Vietjet trong sự phát triển của ngành hàng không. Ông Thắng cho rằng sự xuất hiện của Vietjet khiến cả ngành hàng không Việt Nam thay đổi.