MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines ĐHCĐ bất thường, trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ

Vietnam Airlines ĐHCĐ bất thường, trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ

Theo kế hoạch, ngày 29-12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức ĐHCĐ bất thường tại Hà Nội. Dự kiến bên cạnh phương án kiện toàn HĐQT, Vietnam Airlines sẽ trình ĐHCĐ các phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ, kêu gọi các cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.

2 phương án hỗ trợ tài chính  

Trước đó, Chính phủ với tư cách là cổ đông nhà nước nắm giữ 86,19% vốn điều lệ tại Vietnam Airlines đã đưa ra quy định 5 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc gia trước nguy cơ thua lỗ mất vốn chủ sở hữu do tác động của đại dịch Covid-19.

Các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho Vietnam Airlines là giao Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn không quá 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0% cho các tổ chức tín dụng để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cho phép Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu (quy mô phát hành khoảng 8.000 tỷ đồng), giao Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Ngày 17/11/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 135/2020/QH14, nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Đây là cơ sở pháp lý để SCIC triển khai phương án đầu tư tại Vietnam Airlines, những vướng mắc pháp lý trong quá trình đầu tư đã được SCIC có văn bản đệ trình riêng.

Đối với chủ trương kêu gọi các cổ đông khác cho hãng hàng không quốc gia vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, Vietnam Airlines cho biết phương án này sẽ bảo đảm sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không. Việc xử lý chênh lệch lãi vay của các cổ đông khác sẽ được thực hiện theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước.

Triển vọng phục hồi

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ là một trong các giải pháp đầu tiên được phần lớn các hãng hàng không trên thế giới áp dụng nhằm kêu gọi bổ sung tiền khẩn cấp của các cổ đông để có ngay dòng tiền kịp thời ứng phó với tình huống khủng hoảng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vietnam Airlines ĐHCĐ bất thường, trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ - Ảnh 1.

Hãng hàng không Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai nhiều phương án tái cơ cấu tổng thể trong giai đoạn 2021 - 2025

Đây là phương án đã được hãng hàng không quốc gia cân nhắc rất thận trọng, vừa đảm bảo tính khả thi, không tạo áp lực cho cân đối thu chi trong các năm tiếp theo, vừa đảm bảo quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và các chỉ số tài chính của Vietnam Airlines không bị quá mất cân đối. Cụ thể, doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng và vay tái cấp vốn 4.000 tỷ VNĐ thì tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức phù hợp hơn là 4,6 lần.

Nhờ nguồn vốn bổ sung từ phát hành cổ phiếu, cùng với việc tái cấu trúc tài sản nguồn vốn, đến năm 2023 hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm xuống còn 3,28 lần và tiếp tục giảm xuống dưới 3 lần từ năm 2024 (nếu sử dụng hoàn toàn nguồn hỗ trợ vay vốn, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu sẽ ở mức trên 10 lần). Ngoài ra, đây là nguồn vốn dài hạn, không có chi phí vốn sẽ giúp Vietnam Airlines giảm chi phí, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, sớm giúp doanh nghiệp phục hồi được tiềm lực tài chính bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Cùng với việc khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2021-2015, Vietnam Airlines cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, bao gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư; tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu ; thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không… nhằm đạt mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.

Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác và có nhiều cơ hội phát triển dựa trên nhu cầu du lịch, giao thương kinh tế ở thị trường nội địa và quốc tế. Với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp trước khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên