MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ

01-11-2019 - 12:45 PM | Doanh nghiệp

Áp lực chi phí quản lý tăng cao, từ 650 tỷ lên 874 tỷ đồng. Ghi nhận Vietnam Airlines (HVN) tăng lương phi công cho các dòng máy bay B787/A350 thêm 22% (sớm hơn so với kế hoạch), bắt đầu từ tháng 10/2019, khiến chi phí nhân viên tăng lên.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN) vừa công bố BCTC quý 3/2019 với doanh thu thuần 25.418 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn được tiết giảm khiến lợi nhuận gộp HVN ghi nhận tăng hơn 7% lên 3.308 tỷ.

Biên lợi nhuận gộp vào mức 13%, tăng nhẹ so với mức 12,2% cùng kỳ năm 2018. Kết quả này có thể được lý giải bởi giá nhiên liệu giảm, từ đó bù đắp cho việc giảm giá vé. Trong báo cáo mới đây, với giả định không có sự thay đổi lớn nào trong hoạt động kinh tế từ giờ đến cuối năm, giá nhiên liệu Jet A1 trung bình trong năm 2019 là 67,82$/bbl (giảm 6,99% so với cùng kỳ), Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận.

Tuy nhiên, BVSC cũng đưa ra dự báo chi phí thuê máy bay trong năm 2019 là 14.959 tỷ đồng (tăng 14%) do tăng thuê hoạt động máy bay A321neo và SLB máy bay thân có chi phí cao hơn.

Song song, định hướng trở thành một "hãng hàng không số", trong tháng 10, HVN đã triển khai dịch vụ truyền phát không dây trên các máy bay Airbus A321neo và dịch vụ Internet trên chuyến bay trên các chặng đi các quốc gia châu Á như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và tuyến nội địa từ Tp.HCM và Hà Nội. Theo BVSC, việc triển khai dịch vụ truyền phát không dây và internet trên các chuyến bay sẽ làm chi phí khác gia tăng 4-5%/năm.

Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 1.
Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 2.

Trở lại với kinh doanh HVN quý 3, doanh thu tài chính không thay đổi nhiều, ngược lại chi phí được cắt giảm mạnh, trong đó chi phí lãi vay giảm từ 407 tỷ về 346 tỷ đồng.

Áp lực chi phí quản lý tăng cao, từ 650 tỷ lên 874 tỷ đồng. Ghi nhận HVN tăng lương phi công cho các dòng máy bay B787/A350 thêm 22% (sớm hơn so với kế hoạch), bắt đầu từ tháng 10/2019, khiến chi phí nhân viên tăng lên.

Đáng chú ý, trong kỳ HVN phát sinh khoản lãi khác hơn 343 tỷ đồng, bao gồm hơn 66 tỷ tiền thu phạt (cao gấp 6 lần mức 13 tỷ thu về trong quý 3/2018).

Khấu trừ các chi phí, HVN báo lãi ròng quý 3 năm nay ở mức 1.015 tỷ đồng - gấp gần 3 lần so với quý 3/2018. Kết quả này đến từ việc tiết giảm đáng kể chi phí hoạt động, trong bối cảnh vận chuyển hành khách đang gặp nhiều khó khăn.

Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 3.

Luỹ kế 9 tháng, HVN ghi nhận doanh thu thuần 75.094 tỷ, lợi nhuận sau thuế 2.513 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 28% so với cùng kỳ. Lãi ròng (LNST của cổ đông công ty mẹ) đạt 2.290 tỷ đồng - tăng 34%.

Trong đó tăng trưởng doanh thu hạ nhiệt do sự giảm sút chung của toàn ngành kể từ đầu năm, khi mà thị trường trong nước bước vào giai đoạn bão hòa, trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam có dấu hiệu suy giảm

Hành khách thị trường hàng không nội địa tăng trưởng chậm lại ở mức 8% do hạn chế về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, tăng trưởng thị trường quốc tế là 9%, thấp so với năm 2018 do lượng khách quốc tế đến Việt nam trong quý 3/2019 đang có dấu hiệu chậm lại.

Chưa kể, cạnh tranh ngày càng gia tăng tại cả thị trường nội địa lẫn quốc tế đến từ các hãng mới như Bamboo Airwways, Vinpearl Air và Vietravel Airlines cũng có kế hoạch khai thác thị trường ngoại.

Đặc biệt, với chiến lược hướng đến chất lượng 5 sao, cung cấp các dịch vụ truyền thống (FSC) nhưng với giá vé rẻ hơn, BamBoo Airways sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Vietnam Airlines trong thời gian tới, giới phân tích dự báo.

Thống kê cho thấy, thị phần riêng Vietnam Airlines tại thị trường nội địa và quốc tế lần lượt là 35% và 25% (giảm từ 39,7% và 25,5% trong năm 2018) do áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Nếu tính chung VNA group, thị phần nội địa giảm 2% xuống còn 54%.

Sự gia nhập của Bamboo Airway đã có ảnh hưởng lớn về thị phần đối với HVN và các hãng hiện hữu. Xu hướng giảm sẽ tiếp tục trong thời gian tới, khi Bamboo dự kiến nâng đội bay của mình lên 30 chiếc cho đến năm 2023. Theo nhận định của BVSC, thị phần của HVN sẽ giảm xuống dưới 30% trong 3 năm tới.

Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 5.

Nguồn: BVSC.

Không chỉ rủi ro về thị phần, việc tiếp tục quá trình thay thế đội bay bằng phương thức thuê hoạt động, đồng thời bán đi các máy bay cũ một mặt giúp doanh nghiệp giảm đi áp lực về nợ và chi phí lãi vay; mặt khác cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động ngắn hạn khi chi phí đi thuê sẽ tăng cao.

Ngoài ra, máy bay mới với số lượng ghế tăng thêm nhưng không tương đồng với tốc độ tăng trưởng hành khách sẽ làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chưa kể, việc thực hiện nghiệp vụ SLB từ năm 2016 với những dòng máy bay thân rộng như A350-900 XWB hay Boeing B787 Dreamliner sẽ làm tăng chi phí phí đi thuê trong dài hạn, ảnh hưởng đến biên gộp.

Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 6.
Vietnam Airlines (HVN) lãi ròng 1.015 tỷ đồng trong quý 3, gần gấp 3 lần cùng kỳ - Ảnh 7.

BCTC hợp nhất quý 3/2019.


Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên