Vietnam Airlines niêm yết HOSE: Màn khuấy động thị trường hay “ngọc trong đá”?
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi các yếu tố "ngoại", nhà đầu tư khá thận trọng thì hiệu ứng niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines (mã: HVN) cũng khó xảy ra trong ngắn hạn. Song về trung hạn, đây là mã có thể "phi mã" và lọt vào mắt xanh của các quỹ ETFs trong các kỳ rà soát danh mục.
"Bom tấn" 2,5 tỷ USD
Hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines vừa chính thức niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 7/5 vừa qua. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 40.600 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động ±20%, giá trị vốn hóa của Vietnam Airlines tại HOSE ước đạt 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Giá trị vốn hóa này chưa phản ánh đúng giá trị thực của cổ phiếu HVN. Bởi thời điểm đầu năm 2018, HVN đã đạt mức 3,5 tỷ USD. Với giá trị đó lúc này, cổ phiếu HVN được so sánh cao hơn một số hãng hàng không truyền thống khác trong khu vực: Thai Airways (870 triệu USD), Jet Airway (412 triệu USD), Garuda (946 triệu USD), tiến gần mức vốn hóa của Korea Air (3 tỷ USD).
Trong hơn 2 năm niêm yết tại UpCom, cổ phiếu HVN luôn nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, HVN trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE từ đầu năm 2019 đến nay, và là một trong hai doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE trong số 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Trong hơn 2 năm niêm yết tại UPCoM, HVN là một trong những cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất và nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với bình quân hơn 800.000 cổ phiếu giao dịch/phiên, tương đương với giá trị giao dịch khoảng 30,6 tỷ đồng (tính theo giá cổ phiếu HVN bình quân năm 2018). Điều này cho thấy các nhà đầu tư kỳ vọng cao vào kết quả sản xuất kinh doanh và tiềm năng phát triển của Vietnam Airlines.
Việc cổ phiếu HVN chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE giúp Vietnam Airlines nâng cao vị thế, minh bạch thông tin và mở ra cơ hội đầu tư mới, tăng quy mô cho sàn HOSE.
Với giá đóng cửa khoảng 41.000 đồng/cổ phiếu, HVN sẽ có quy mô vốn hóa đứng thứ 15, chiếm tỷ trọng khoảng 1,8% trên HOSE. Dù vậy, theo ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích, Công ty chứng khoán BSC, cổ động nhà nước chiếm 86,19% vốn điều lệ sẽ hạn chế đóng góp thanh khoản của cổ phiếu cho thị trường.
"Tầm ảnh hưởng của HVN đối với diễn biến giá và thanh khoản của HOSE là không lớn. Trong bối cảnh thị trường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nhà đầu tư khá thận trọng khi tham gia thị trường thì hiệu ứng niêm yết HVN cũng khó xảy ra trong ngắn hạn", ông Long cho biết.
"Miếng mồi ngon"
Xét về quy mô, thanh khoản, tỷ lệ freefloat (những cổ phiếu sẵn sàng cho giao dịch) và room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Long cho rằng, HVN sẽ có cơ hội được các bộ chỉ số và danh mục của các quỹ ETFs trong các kỳ rà soát danh mục.
Dựa theo tiêu chí thời gian niêm yết của các ETFs, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán BSC dự báo khoảng thời gian HVN có thể được xem xét đưa vào danh mục (trừ trường hợp ngoại lệ).
Cụ thể, với ETF FTSE, ETF iShare thì lần xem xét thay đổi danh mục gần nhất vào cuối tháng 5/2019 và các công ty cần 3 tháng niêm yết. Do vậy HVN phải chờ đến đợt rà soát tiếp theo vào cuối tháng 8/2019.
Với ETF VNM, lần xem xét thay đổi danh mục gần nhất vào cuối tháng 5/2019 và các công ty cần ít nhất 3 kỳ rà soát tương đương với thời gian niêm yết 9 tháng niêm yết. Như vậy HVN phải chờ đến tháng 2/2020 mới được xem xét.
Trường hợp HVN được đưa vào danh mục của FTSE và VNM thì tỷ trọng HVN chiếm khoảng từ 2%-3% danh mục các ETFs (ETF FTSE có tổng tài sản 313 triệu USD, ETF VNM có tổng tài sản 422 triệu USD). Cổ phiếu HVN sẽ đón nhận dòng tiền mới, hỗ trợ diễn biến về giá và thanh khoản trong ngắn hạn.
Theo giới phân tích, các quỹ ETFs sẽ bổ sung những cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, freefloat, room nước ngoài,… tại kỳ rà soát danh mục hàng quý và cũng loại bỏ các cổ phiếu không còn thỏa mãn các tiêu chí này.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc quỹ không xây dựng trên cơ sở nhóm ngành, lĩnh vực hoặc cổ phiếu riêng biệt. Về lý thuyết quản lý quỹ có quyền có ngoại lệ, tuy nhiên khả năng này không lớn khi hiện tại khá nhiều cổ phiếu đáp ứng tiêu chí của các quỹ.
Với HVN, theo ông Long, lợi ích lớn nhất của nhà đầu tư là có thêm một cơ hội lựa chọn cổ phiếu. Cổ phiếu cũng sẽ có tính minh bạch thông tin và yêu cầu quản trị cao hơn. Nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ ETFs cũng sẽ có điều kiện tham gia đầu tư vào cổ phiếu qua đó hỗ trợ ổn định giá và cải thiện thanh khoản.