MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines nói gì về việc chậm nộp báo cáo kiểm toán?

Vietnam Airlines nói gì về việc chậm nộp báo cáo kiểm toán?

Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, tiếp tục giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo

Ngày 5-5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ra quyết định chuyển hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN được phát hành bởi Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (Vietnam Airlines) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12-5-2023.

Nguyên nhân là do Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Cùng ngày 5-5, Vietnam Airlines có văn bản gửi HOSE thông tin thêm về việc chậm công bố Báo cáo tài chính năm 2022 và phương án khắc phục.

Theo đó, ngày 29-3-2023, Vietnam Airlines đã có văn bản báo cáo giải trình về việc tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính năm 2022 . Vietnam Airlines đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện các thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của Tổng công ty. Hiện tại, Vietnam Airlines đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị kiểm toán để sớm hoàn thành và công bố Báo cáo tài chính trong thời gian sớm nhất.

"Tổng công ty hàng không cam kết thực hiện công bố thông tin Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2022 ngay sau khi hoàn thành"- Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cam kết trong văn bản gửi HOSE.

Đồng thời, lãnh đạo Vietnam Airlines cam kết trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quy định về việc công bố Báo cáo tài chính năm theo đúng quy định nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của Nhà đầu tư và tính minh bạch của Tổng công ty.

Theo điểm c, khoản 1, Điều 10 Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán, nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Như vậy, với năm tài chính kết thúc vào 31-12-2022, báo cáo tài chính phải được nộp chậm nhất vào ngày 31-3-2023.

Ngày 29-3, Vietnam Airlines đã có văn bản đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HOSE cho phép hoãn công bố báo cáo tài chính năm 2022 nhưng không nêu cụ thể thời hạn mới.

Lý do xin tạm hoãn là vì Vietnam Airlines cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.

Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tổng công ty đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hoá dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.

Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản trả lời không đồng ý với đề nghị của Vietnam Airlines bởi lý do xin tạm hoãn công bố thông tin không thuộc các trường hợp được tạm hoãn theo quy định; đề nghị hãng hàng không quốc gia khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.

Hiện nay đã bước sang tháng 5 nhưng Vietnam Airlines chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN

Bên cạnh đó, HOSE cũng đã nhiều lần gửi thông báo đến Vietnam Airlines lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Vietnam Airlines trong hai năm 2020 và 2021 đều bị lỗ lần lượt gần 11.000 tỉ đồng và 13.000 tỉ đồng. Nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm, khả năng cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết.

Được biết, trong Báo cáo tài chính tự lập của Vietnam Airlines, năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận lỗ ròng 10.400 tỉ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2022 âm 10.000 tỉ đồng. Trong trường hợp báo cáo kiểm toán năm 2022 của Vietnam Airlines tiếp tục lỗ, cổ phiếu HVN có thể sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Theo Dương Ngọc

Người Lao Động

Trở lên trên