MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vietnam Airlines tăng kịch trần ngày chào sàn: Vietcombank và Techcombank thắng lớn, số đông NĐT tiếc nuối vì đã trót “thờ ơ” khi IPO

Tính theo mức giá hiện tại (39.200 đồng/cp) thì khoản đầu tư của Vietcombank và Techcombank vào Vietnam Airlines hiện đã có giá trị hơn 1.880 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận 75% so với vốn bỏ ra ban đầu.

Ngày 3/1/2017, cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) đã chính thức lên sàn UPCoM giao dịch với giá tham chiếu 28.000 đồng. Không ngoài sự mong đợi của giới đầu tư, cổ phiếu HVN đã mau chóng tăng hết biên độ lên 39.200 đồng với dư mua hàng triệu đơn vị. Tại mức giá này, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines lên tới hơn 48.000 tỷ đồng (khoảng 2,15 tỷ USD).

Có thể nói, cổ phiếu HVN lên sàn và tăng mạnh đã mang lại niềm vui không nhỏ cho các nhà đầu tư nắm giữ, đặc biệt là Vietcombank và Techcombank. Đợt IPO của Vietnam Airlines năm 2014 dù rất được mong chờ nhưng không được số đông nhà đầu tư hào hứng tham gia. Mặc dù bán hết nhưng chỉ riêng 2 ngân hàng Vietcombank và Techcombank đã đứng ra mua tới 99% tổng khối lượng chào bán.

Trong đó, Vietcombank mua vào 22,4 triệu cổ phiếu và Techcombank mua vào 25,58 triệu cổ phiếu. Mức đấu giá bình quân trong phiên IPO là 22.307 đồng/cp, xấp xỉ mức giá khởi điểm mà Vietnam Airlines đã đưa ra (22.300 đồng). Như vậy, 2 ngân hàng đã chi ra tổng cộng 1.070 tỷ đồng để mua cổ phần HVN trong phiên IPO.

Cũng trong phiên IPO này, ngoài Vietcombank, Techcombank và một vài nhà đầu tư nhỏ trong nước, không có nhà đầu tư ngoại nào tham gia mua cổ phần. Theo nhận định của CTCK Bản Việt, phiên IPO của Vietnam Airlines chưa thực sự hấp dẫn do giá chào bán tương đối cao, bằng 2,2 lần giá trị sổ sách khi đó. Ngoài ra, tỷ lệ chào bán công khai quá thấp, chỉ tương đương 3,5% vốn điều lệ, đồng thời chưa có khung thời gian cụ thể của việc niêm yết cổ phiếu cũng có thể khiến các nhà đầu tư tổ chức băn khoăn.

Sau hơn 2 năm nắm giữ, những nhà đầu tư mua cổ phần Vietnam Airlines trong phiên IPO đã thu được thành quả không nhỏ. Tính theo mức giá hiện tại (39.200 đồng/cp) thì khoản đầu tư của Vietcombank và Techcombank hiện đã có giá trị hơn 1.880 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận 75% so với vốn bỏ ra ban đầu.

Trong năm 2015, Vietnam Airlines có đợt phát hành chiến lược gần 108 triệu cổ phiếu cho “đại gia” hàng không Nhật Bản ANA Holding Inc và thu về 2.431 tỷ đồng (khoảng 22.500 đồng/cp, xấp xỉ giá IPO). Như vậy, ANA Holding cũng thu về khoản lợi nhuận gần 75% chỉ sau nửa năm đầu tư vào Vietnam Airlines.

Hiện tại, Nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 86,16% cổ phần Vietnam Airlines. Lượng cổ phần trôi nổi do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khá ít, chỉ khoảng 13,5 triệu (1,1%). Do đó, việc cổ phiếu HVN tăng nóng sau khi chào sàn là điều không quá bất ngờ, nhất là khi giá giao dịch cổ phiếu HVN trên OTC cách đây ít ngày còn lên tới 45.000 đồng/cp.

Theo lộ trình, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm phần vốn của Nhà nước xuống không thấp hơn 65% vào thời điểm thích hợp.

Mới đây, Vietnam Airlines đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2016 với tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines và các công ty thành viên ước đạt trên 76.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% và lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch năm.

Mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.500 tỷ đồng là con số kỷ lục của Vietnam Airlines từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2016 thì lợi nhuận trước thuế 9 tháng của hãng hàng không này lên tới 2.885 tỷ đồng. Như vậy nhiều khả năng Vietnam Airlines đã lỗ khoảng 400 tỷ đồng trong quý 4/2016.

Vài năm gần đây, lợi nhuận của Vietnam Airlines phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như giá nhiên liệu, biến động của tỷ giá, kết quả kinh doanh của các công ty con cũng như một số khoản thu nhập bất thường từ hỗ trợ mua máy bay hay đền bù bảo hiểm.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên