MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Viglacera: Ra mắt tân Chủ tịch HĐQT, lợi nhuận trước thuế có thể vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong năm 2019

Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch Gelex được bầu làm Chủ tịch HĐQT Viglacera nhiệm kỳ 2019 - 2024, ông Luyện Công Minh làm Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Anh Tuấn làm TGĐ.

Hôm nay (26/6) đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2019 của Tổng công ty Viglacera (VGC). Đây là kỳ Đại hội đầu tiên sau khi Nhà nước thoái bớt vốn và Viglacera tiến hành chuyển sàn niêm yết sang HoSE.

Điểm lại kết quả kinh doanh năm 2018, Viglacera ghi nhận doanh thu hợp nhất 8.812 tỷ đồng, giảm 4,2%; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 667 tỷ đồng. Dù vậy, Viglacera vẫn dùng 448 tỷ đồng chia cổ tức năm 2018 tỷ lệ 10% thay vì mức 9,5% như kế hoạch.

Lợi nhuận trước thuế năm 2019 có thể vượt 1.000 tỷ đồng

Năm 2019, Viglacera đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2018; trong đó, Công ty mẹ đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 11,6% so với thực hiện năm 2018; Lãi trước thuế hợp nhất đạt 950 tỷ đồng, tăng 12,2% so với thực hiện năm 2018; Công ty Mẹ đạt 650 tỷ đồng, tăng 7% so với thực hiện năm 2018; Thực hiện chia cổ tức tối thiểu đạt 10,5%.

Lãnh đạo Viglacera cho biết kế hoạch kinh doanh năm 2019 đã được lập từ cuối năm 2018 và được Bộ Xây dựng phê chuẩn. Tuy nhiên, mục tiêu Viglacera sẽ không dừng ở con số 950 tỷ lợi nhuận mà có thể lên tới 1.100 tỷ đồng. Trong buổi chuyển sàn HoSE mới đây, Vilacera đã đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tối thiểu 20% so với năm trước, tương ứng khoảng trên 1.000 tỷ đồng và ban lãnh đạo công ty cho rằng đây là con số có tính khả thi cao.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty mẹ Viglacera ước đạt 422 tỷ lợi nhuận trước thuế, tương ứng 65% chỉ tiêu cả năm. Dự kiến trong năm nay, riêng công ty mẹ Viglacera sẽ đạt 700 - 800 tỷ lợi nhuận trước thuế.

ĐHCĐ Viglacera: Ra mắt tân Chủ tịch HĐQT, lợi nhuận trước thuế có thể vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong năm 2019 - Ảnh 1.

Trong chiến lược phát triển dài hạn, Tổng công ty Viglacera - CTCP sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác tái cơ cấu, tiếp tục đầu tư vào sản xuất các sản phẩm VLXD công nghệ, có giá trị cao đón đầu về công nghệ và thân thiện với môi trường (kính siêu trắng, kính tiết kiệm năng lượng, gạch bê tông khí chưng áp, tấm panel và sứ vệ sinh cao cấp…).

Trong lĩnh vực kính, lãnh đạo Viglacera cho biết bên cạnh những khó khăn từ thị trường bất động sản "hạ nhiệt", hàng Trung Quốc vào Việt Nam nhiều còn có nhiều cơ hội đang mở ra. Việc ký kết EVFTA có thể mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho mặt hàng kính. Ngoài ra, nhu cầu pin năng lượng mặt trời tăng mạnh không chỉ ở quốc tế mà còn trong nước sẽ là thị trường tiềm năng cho mảng kính siêu trắng của công ty. Thậm chí, Viglacera và Gelex có thể kết hợp để làm pin mặt trời.

Trong lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ phát huy các lợi thế vào việc đầu tư hạ tầng các KCN (với việc đầu tư hai KCN mới là Yên Phong IIC và Yên Mỹ), phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo chủ trương của Chính phủ và mở rộng đầu tư mảng bất động sản nghỉ dưỡng (dự án Vân Hải) để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, với mục tiêu xây dựng và đưa thương hiệu Viglacera thật sự trở thành thương hiệu đẳng cấp của ngành Vật liệu xây dựng và Bất động sản tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2019, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Viglacera xuống 0% theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, Viglacera sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ tại CTCP Viglacera Vân Hải từ 165 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2018; Tái cơ cấu vốn tại CTCP Chao Viglacera, trong đó giảm vốn sở hữu của Tổng công ty từ 51% xuống còn 30%; Triển khai các thủ tục để điều chỉnh vốn điều lệ của CTCP ViMariel từ 5 triệu USD lên 10 triệu USD, trong đó giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của Viglacera là 99,9%.

Chủ tịch Gelex Nguyễn Văn Tuấn trở thành tân chủ tịch Viglacera nhiệm kỳ 2019-2024

Hiện tại, HĐQT Viglacera mới chỉ có 3 thành viên là ông Nguyễn Anh Tuấn (Tổng Giám đốc), ông Trần Ngọc Anh (Phó TGĐ) và ông Luyện Công Minh (Chủ tịch HĐQT) và 2 thành viên Ban kiểm soát là bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và bà Phạm Ngọc Bích. Trong khi đó, ĐHCĐ đã thông qua số lượng thành viên HĐQT là 5 và số lượng thành viên Ban kiểm soát là 3. Do đó, Viglacera đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT Và BKS.

Ngày 19/6/2019, Viglacera đã nhận được văn bản đề cử của nhóm cổ đông lớn Gelex (nắm xấp xỉ 25% cổ phần công ty) đề cử bổ sung 2 thành viên vào HĐQT, bao gồm ông Nguyễn Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Gelex), bà Đỗ Thị Phương Lan (Phó chủ tịch Gelex). Ngoài ra, nhóm cổ đông lớn còn đề cử bà Nguyễn Thị Thanh Yến vào thành viên ban kiểm soát Viglacera.

Kết quả, các ông bà sau trúng cử thành viên HĐQT Viglacera nhiệm ký 2019 - 2024: Ông Nguyễn Văn Tuấn (588 triệu phiếu bầu), ông Nguyễn Anh Tuấn (458 triệu phiếu bầu), ông Trần Ngọc Anh (308 triệu phiếu bầu), ông Luyện Công Minh (268 triệu phiếu bầu), bà Đỗ Thị Phương Lan (193 triệu phiếu bầu).

Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Luyện Công Minh làm Phó Chủ tịch và ông Nguyễn Anh Tuấn làm TGĐ.

Các bà Nguyễn Thị Thanh Yến, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân và bà Phạm Ngọc Bích cũng trúng cử thành viên Ban kiểm soát.

Gelex và Viglacera hỗ trợ nhau ra sao?

Theo lãnh đạo Viglacera, Gelex và VGC có điểm chung là vật liệu trong ngành xây dựng. Đây là điểm chung có thể phối hợp với nhau. Bên cạnh đó, sự phối hợp còn diễn ra trong kênh phân phối. Hiện nay, VGC đang nghiên cứu các tấm panel nhẹ (bê tông khí), trong đó làm các đường ống dây điện, nước và qua đó có thể hợp tác với Gelex.

Vật liệu xây dựng không chỉ tiết kiệm, mà còn phải phát điện. VGC đang tính dùng ngói bằng kính, phát điện; Vách bằng kính cũng có thể phát điện. Tuy nhiên, để nghiên cứu các vật liệu này sẽ phải mất vài năm và cần sự phối hợp từ Gelex.

Ngoài ra, quản trị Gelex là quản trị của công ty sản xuất công nghiệp, phù hợp với cách quản trị của Viglacera.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên